Bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xuất hiện tại 2 xã Duy Hải và Duy Nghĩa của huyện Duy Xuyên. Để ngăn chặn sự lây lan của loại bệnh cực kỳ nguy hiểm này, ngành liên quan và chính quyền 2 địa phương vừa nêu đang gấp rút triển khai nhiều biện pháp đối phó.
Một trong những con heo bị nhiễm bệnh DTHCP ở xã Duy Hải vừa được đưa đi tiêu hủy khẩn cấp. Ảnh: VĂN SỰ
Sáng ngày 18.5, phóng viên Báo Quảng Nam có mặt tại địa bàn xã Duy Hải để tìm hiểu về tình hình dịch bệnh. Mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng đội ngũ cán bộ của Phòng NN&PTNT, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Duy Xuyên và lãnh đạo chính quyền địa phương, lực lượng xung kích vẫn ứng trực để nắm bắt kịp thời thông tin về dịch bệnh, tuần tra và chốt chặn trên các tuyến giao thông huyết mạch cũng như xử lý tiêu hủy khẩn cấp nếu phát sinh heo nhiễm bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, hiện nay trên địa bàn 5 thôn của xã có tổng cộng 427 con heo với khoảng 355 hộ chăn nuôi, chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ.
Theo ông Thống, ngày 14.5 chính quyền địa phương nhận được tin tại hộ bà Trần Thị Trở ở thôn Tây Sơn Đông có 4 con heo bị nhiễm bệnh với các triệu chứng như sốt cao, bỏ ăn, toàn thân đỏ ửng… nên liền cấp báo cho lực lượng thú y huyện Duy Xuyên và Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh. Sau khi kiểm tra lâm sàng, ngành thú y tiến hành lấy 4 mẫu bệnh phẩm trên đàn heo của bà Trở gửi đi xét nghiệm và kết quả cho thấy 1/4 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút gây bệnh DTHCP. Ngay lập tức, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện Duy Xuyên và chính quyền xã Duy Hải tiến hành tiêu hủy khẩn cấp cả 4 con heo (tổng trọng lượng 270kg) của gia đình bà Trần Thị Trở.
Khẩn trương phun hóa chất sát trùng tại những vùng xảy ra bệnh DTHCP. Ảnh: VĂN SỰ
Ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho hay, sau khi tiêu hủy đàn heo của bà Trần Thị Trở thì trong 2 ngày 16 - 17.5 tại địa phương lại có thêm 15 con heo của 4 hộ dân khác là Nguyễn Xuân Cát, Lê Dưa, Lâm Văn Tám ở thôn Tây Sơn Đông và Đỗ Văn Phải ở thôn Thuận Trì bị nhiễm bệnh, chết. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng khẩn trương huy động nhân lực và phương tiện tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số heo vừa nêu với tổng trọng lượng hơn 594kg.
Trong khi đó, nói về triệu chứng phổ biến của bệnh, ông Vũ Minh Tuân - chuyên viên Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Duy Xuyên thông tin: “Qua khám lâm sàng cả 19 con heo mắc bệnh của 5 hộ dân ở xã Duy Hải, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều bị sốt rất cao, bỏ ăn, đi đứng loạng choạng, xuất huyết vùng bẹn - bụng, máu chảy ra mũi - miệng - hậu môn và chết nhanh”.
Ông Nguyễn Văn Thống cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, 2 ngày qua chính quyền địa phương đã huy động lực lượng xung kích gồm công an, quân sự, dân quân… thiết lập 2 điểm chốt chặn tại khu vực ngã 4 An Lương và ngã 4 Tây Sơn Tây để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, các sản phẩm từ heo ra vào địa bàn. Đồng thời thành lập 1 tổ chuyên trách việc rải vôi bột, phun hóa chất tiêu độc khử trùng và tiêu hủy nhanh khi phát sinh heo mắc bệnh.
“Ngành nông nghiệp đã chi viện cho xã Duy Hải 52 lít hóa chất Benkocid và UBND xã cũng chủ động xuất nguồn kinh phí dự phòng mua thêm 1 tấn vôi bột. Hiện nay, lực lượng xung kích của địa phương đang gấp rút triển khai vệ sinh môi trường, phun hóa chất sát trùng trên phạm vi rộng, nhất là tại những khu vực đang xảy ra dịch nhằm khống chế sự lây lan của bệnh DTHCP” - ông Thống nói.
Lực lượng xung kích của xã Duy Hải chốt chặn tại những khu vực xung yếu nhằm kiểm soát việc vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo. Ảnh: VĂN SỰ
Tại xã Duy Nghĩa, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào trưa nay 18.5, ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã cho hay, bệnh DTHCP cũng đã xuất hiện tại 2 hộ dân là Nguyễn Trường Tám và Phạm Bộ ở thôn Lệ Sơn khiến 6 con heo bị nhiễm bệnh, chết, phải tiêu hủy khẩn cấp.
“Bên cạnh việc tiêu hủy nhanh số heo mắc bệnh vừa nêu, những ngày qua chính quyền xã Duy Nghĩa cũng trưng dụng 2 máy bơm động cơ và 18 lít hóa chất Benkocid để phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng nhằm ngăn chặn sự phát tán của mầm bệnh” - ông Nam nói.
VĂN SỰ