Mặc dù chính quyền các địa phương và lực lượng thú y ở huyện Duy Xuyên đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp đối phó với dịch tả heo châu Phi nhưng vi rút gây bệnh vẫn tiếp tục lan rộng.Đến 16 giờ chiều ngày 3.6.2019, dịch tả lợn châu Phi phát sinh thêm trên 43 con lợn của hộ ông Lưu Đức Thành, thôn Phú Nham Tây xã Duy Sơn, nâng tổng số lợn mắc bệnh dịch tả lợn phải tiêu hủy trên địa bàn huyện Duy Xuyên lên 230 con, tổng trọng lượng 12033 kg hơi của 46 hộ ở 14 thôn thuộc 5 xã: Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Thành, Duy Trung và Duy Sơn.
Huyện Duy Xuyên đã cấp 1680 lít hóa chất cho các địa phương phun khử trùng tiêu độc ở khu vực chăn nuôi và các điểm chợ, khu dân cư. Các xã mua 40 tấn vôi cấp cho các hộ chăn nuôi rải quanh khu vực chăn nuôi. Huyện quyết định thành lập hai Tổ kiểm tra liên ngành và 4 tổ chốt chặn lưu động. Đồng thời công bố dịch tả lợn châu Phi ở các xã đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi để có biện pháp ngăn chặn quyết liệt, phòng ngừa hiệu quả.
Để hạn chế sự lây lan của bệnh trong thời gian đến, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn cách phòng ngừa, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi như sau:
Nhiều điểm chốt chặn tại Duy Xuyên được thiết lập để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo ra vào địa bàn. Ảnh: HOÀI NHI
Người chăn nuôi không sử dụng thức ăn dư thừa ở các quán ăn, nhà hàng, thức ăn các khu công nghiệp trong và ngoài huyện cho lợn ăn không qua nấu chín. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phitrong thời gian vừa qua.
Người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng các loại hóa chất, rải vôi bột xung quanh khư vực chăn nuôi và lối vào chuồng trại, hạn chế người lạ vào khu vực chăn nuôi của hộ mình.
Đây là bệnh do vi rút gây ra, không có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh; Bệnh này không lây sang người và gia súc khác chỉ lây trên lợn nhà và lợn rùng ở mọi lứa tuổi. Thịt lợn và sản phẩm từ lợn được sử dụng nhưng các sản phẩm đó phải qua kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ. Trên thân thịt có đóng dấu kiểm soát giết mổ mới được đưa ra ngoài thị trường tiêu thụ.
Người chăn nuôi phải cam kết thực hiện tốt 5 không theo quy định của Luật thú y: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín để nuôi lợn.
Người chăn nuôi nếu phát hiện nghi lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phiphải báo cáo ngay cho Ban dân chính thôn-khối phố, thú y cơ sở.
Hoàng Thơ