Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi những tác động bất lợi của thời tiết, nhất là bão và lũ nên năm 2016 này các địa phương ở Duy Xuyên đã sớm xây dựng các phương án rất cụ thể để đối phó với thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Thống – Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, trước mùa mưa bão năm 2016, địa phương đã chủ động xây dựng các phương án đối phó với thiên tai, nhất là di dời dân ở vùng gần cửa sông, cửa biển trong trường hợp khẩn cấp. Ông Thống nói: “Trước cơn bão số 4 vừa qua, UBND xã phân công từng thành viên trong Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn về đứng điểm ở từng thôn để kịp thời nắm bắt tình hình và thông báo trực tiếp đến nhân dân về diễn biến của bão. Đồng thời hỗ trợ những hộ dân đang xây dựng nhà tại khu tái định cư ở thôn Tây Sơn Đông chằng chống nhà cửa, che chắn vật liệu xây dựng và lên phương án nạo vét để đảm bảo chống ngập úng khi có mưa lớn. Còn trước đó, 18 hộ dân nằm trong vùng sạt lở thuộc thôn Trung Phường đã sớm được di dời, bố trí đất tái định cư và xây dựng nhà ở”. Trong khi đó, tại xã Duy Thu, các hộ sống ven sông Thu Bồn đã đầu tư xây dựng gần 100 ngôi nhà tránh lũ nằm dọc các triền núi Hóc Kết, Lôi Giáng, Dương Bìa, Hóc Duyên, Khe Trôi... Những ngôi nhà này được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 4, giá trị bình quân mỗi căn khoảng 20 triệu đồng nhằm phục vụ cho việc tránh trú lũ lụt. Còn ở các địa phương khác như Duy Phước, Duy Thành và thị trấn Nam Phước, người dân cũng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ xây dựng hơn 150 chuồng lầu cho gia súc tránh lũ để hạn chế thiệt hại.
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên cho biết, để chủ động đối phó với bão lũ, bên cạnh việc phối hợp tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân, thời gian qua những đơn vị liên quan ở huyện cùng Sở NN&PTNT còn tăng cường kiểm tra mức độ an toàn của các công trình thủy lợi, nhất là một số hồ chứa nước có quy mô vừa và lớn như Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Phú Lộc để kịp thời khắc phục những sự cố.
Đồng thời UBND huyện thành lập tổ kiểm tra việc chuẩn bị ứng phó thiên tai ở các địa phương, đơn vị và tiến hành vận hành thử những trang thiết bị phục vụ công tác này nhằm sớm phát hiện các hư hỏng để sửa chữa hoặc mua mới, đảm bảo không xảy ra trục trặc khi có bão lũ. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng đã thành lập những đội xung kích và chuẩn bị đầy đủ các loại phương tiện, vật tư để triển khai hiệu quả khâu cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra. Ông Năm nói: “Trong trường hợp xảy ra lũ lớn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên sẽ huy động tất cả lực lượng hỗ trợ di dời hơn 1.500 hộ dân trên địa bàn các xã Duy Thu, Duy Châu, Duy Trinh, Duy Phước, Duy Vinh, Duy Hải… đang sinh sống ở những vùng ven biển, ven sông, nơi có nguy cơ cao sạt lở đất, đá đến các cơ quan, trường học, trạm y tế, nhà dân kiên cố. Nhìn chung, hiện giờ mọi công tác ứng phó với thiên tai đều được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo không bị động trong mọi tình huống”.
HOÀI NHI