Đường 610 là một
trong những con đường huyết mạch của huyện Duy Xuyên, từ ngã 3 Nam Phước đến xã
Duy Phú, thông thương giữa vùng Trung, Đông và vùng Tây của huyện Duy Xuyên,
con đường có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của huyện
nhà.
Hàng cây xà cừ đường vào Mỹ Sơn
Từ năm 2002, qua nguồn kinh phí của Tổng cục du lịch Việt Nam đoạn đường từ
Nam Phước đi Mỹ Sơn đã được đầu tư nâng cấp, trong đó, hai hàng cây ven đường
được trồng và đã góp phần rất quan trọng
vào cảnh quan môi trường và tạo nên một diện mạo mới cho Duy Xuyên.
Cây trên đường ĐT 610 chết khô
Hơn mười năm tuổi, hàng cây vẫn âm thầm
dần lớn, nhiều cây gỗ có giá trị cao như cây Sao, cây Viết, Xà Cừ, Bằng Lăng… mới
trồng chỉ bằng ngón tay nhưng đến nay, cây lớn nhất đường kính gốc hơn 60cm,
cây cao nhất khoảng 18m, bao quán xá mọc lên dưới tán cây, nhiều đoạn đường rợp
bóng mát, bao em học sinh tung tăng đến trường dưới bóng cây trong những trưa
hè nóng bức. Hoa Phượng, Điệp vàng, Bằng Lăng … khoe sắc tỏa hương, con đường đối
với mỗi người dân đều “qua trăm buổi, lại ngàn lần”, được che chở, được hít thở
không khí trong lành.
Cây xanh trên đường ĐT 610 bị đốn làm củi
Tiếc thay, mỗi năm trôi qua số lượng
cây giảm dần, có quá nhiều lý do để số lượng cây mất đi và bị tổn thương, do
nhiều nguyên nhân, trng đó tác nhân chính là con người. Hàng cây và con đường
610 là bộ mặt của huyện nhà, là con đường giao thương buôn bán của người dân và
là con đường du lịch, con đường di sản kết nối các di sản miền trung, hàng trăm
ngàn du khách trong nước và quốc tế đến với quê hương Duy Xuyên và đến với Di sản
văn hóa thế giới Mỹ Sơn nên việc bảo vệ hàng cây trên đường 610 là vô cùng cần
thiết. Bảo vệ hàng cây là góp phần tạo nguồn tài nguyên du lịch cũng là một
cách bảo vệ chính di sản xanh, lá phổi của chúng ta.
Mùa mưa bão sắp đến, công tác chăm sóc
bảo vệ hàng cây cần được chú trọng. Các cấp các ngành trong huyện và các xã có
đường 610 đi qua nên quan tâm, chăm sóc hàng cây ven đường. Nên kiểm kê toàn bộ
số lượng cây, chủng loại cây, vị trí cây còn lại và có kế hoạch chăm sóc bảo quản
hàng cây, khi cây quá cao không đảm bảo an toàn cho nhà dân trong mùa bão lụt
thì nên cắt thấp xuống, nếu trường hợp cây nào bị đỗ nghiêng thì kịp thời trồng
đứng lại. Nhiều hộ gia đình có ý thức bảo vệ hàng cây rất tốt thì nên động viên
khen thưởng, tìm hiểu nguyên nhân cây chết để khắc phục và trồng mới lại để bổ
sung. Công tác bảo vệ hàng cây còn là trách nhiệm của toàn dân, mỗi người dân,
mỗi hộ gia đình hãy hành động vì một con đường xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh gìn giữ
di sản của cha ông, chúng ta phải gìn giữ di sản của chính chúng ta. Hàng cây sẽ
là một di sản quý giá của thế hệ chúng ta để lại cho con cháu mai sau.
Nguyễn
Văn Thọ - BQL di tích và du lịch Mỹ Sơn