A+ A A-

Cuộc xoay chuyển ở vùng đông

     Ngành chức năng và các địa phương ở vùng đông đang triển khai những giải pháp đồng bộ, tháo gỡ từng điểm nghẽn để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư theo cam kết của tỉnh. Tuy nhiên, nguồn lực hạn hẹp và việc quản lý hiện trạng gặp khó khăn nên đây vẫn là câu chuyện được quan tâm.

       Nhà đầu tư nhanh, địa phương chậm

      Tốc độ xây dựng của dự án Nam Hội An nhanh hơn dự kiến.Ảnh: T.D

Tốc độ xây dựng của dự án Nam Hội An nhanh hơn dự kiến.Ảnh: T.D     

    Khu nhà điều hành của Công ty Phát triển dự án Nam Hội An nổi bật trên vùng đất rộng mênh mông ở thôn Tây Sơn Tây (xã Duy Hải, Duy Xuyên). Dọc theo các con đường, khu đất trống trơn nhà cửa, cây cối, những hàng rào sắt B40 màu bạc tiếp tục được dựng lên. Thợ thi công nói đó là những ranh giới được khu biệt vây phần đất “sạch” để chuẩn bị thi công. Tây Sơn Tây trở thành một đại công trường. Xe tải cuốn bụi mịt mù. Tiếng máy xúc, máy đào ồn ã. Những khối bê tông khổng lồ, hàng ngàn cây cọc sắt nhô lên từ mặt cát nóng…, khởi sự cho tiến độ thi công nước rút để kịp đưa công trình vào sử dụng ngay trong năm 2019. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho hay dự án Nam Hội An triển khai rất nhanh, trước tiến độ theo cam kết của chủ đầu tư với Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng hiện nay chậm so với yêu cầu nhà đầu tư.

    Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam chịu trách nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An cho hay đến ngày 31.3 đã bàn giao cho nhà đầu tư 6 đợt khoảng 147/163ha (90,3% diện tích giai đoạn 1 của dự án). Số diện tích còn lại phải thực hiện 17,5ha còn 34 trường hợp vi phạm xây dựng, cơi nới trái phép chưa được tháo dỡ, chưa thể thực hiện được công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng cho dự án. Tuy nhiên, theo kế hoạch, sẽ tiếp tục bàn giao thêm 8,3ha cho nhà đầu tư và hoàn tất vào ngày 30.6.2017. Trung tâm Phát triển hạ tầng thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, khu tái định cư ven biển Bình Dương giai đoạn 1 khoảng 38ha, trong đó xã Duy Hải 12ha và còn lại thuộc xã Bình Minh (Thăng Bình). Khu tái định cư này có tổng diện tích thu hồi đất 9,5ha, sau 4 lần họp đã có 21 hộ thống nhất bàn giao mặt bằng diện tích liền kề, có thể thi công được khoảng 5ha.

          Có nhiều lý do từ phía người dân và cả cơ quan quản lý khiến nhiều trường hợp chưa thể bàn giao mặt bằng sạch. Bà Nguyễn Thị Tẹng (ở Tây Sơn Tây) và nhiều người khác cho rằng toàn bộ diện tích đất thu hồi đã được bồi thường, gia đình chuyển đến nơi ở mới, chỉ còn chờ đợi việc hỗ trợ chuyển đổi nghề là xong. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều người như bà Nguyễn Thị Chữ đã nhận tiền bồi thường, chính sách liên quan, nhận đất tái định cư (TĐC) và làm nhà mới nhưng lại đòi thêm tiền bồi thường, đất TĐC, chưa chịu giao mặt bằng hoặc những hộ như Nguyễn Văn Hưu, Nguyễn Văn Thượng, Huỳnh Văn Thuấn… tại dự án khu TĐC ven biển Bình Dương không thống nhất nhận tiền với lý do giá bồi thường đất nông nghiệp thấp hơn so với dự án Nam Hội An (26 nghìn đồng/30 nghìn đồng/m2).

          Con đường nối khu dân cư Duy Hải lên cầu Trường Giang vừa hoàn tất, đi qua những nổng cát, vài khu dân cư với mật độ xây dựng ngày càng gia tăng. Những ngôi nhà mới, cũ nằm phơi mình giữa nắng trên mặt cát mênh mông, trơ trọi bóng cây. Ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói các khu TĐC Duy Hải, Sơn Viên chỉ mới hoàn thành một phần. Một số hạng mục như đường điện, nước sạch, cây xanh vẫn chưa hoàn tất theo dự án được duyệt. Khu TĐC ven biển Bình Dương (thuộc địa phận Duy Hải và Bình Minh) vẫn đang trong giai đoạn kiểm đếm, giải phóng mặt bằng. Không ít người dân xã Duy Nghĩa, Duy Hải nằm trong diện di dời vẫn đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không thể tìm kiếm được một chỗ rõ ràng để định cư. Sức nóng ở miệt đông còn gia tăng khi tình trạng cơi nới, lấn chiếm, xây dựng trái phép thường xuyên xảy ra. Tất cả những rắc rối này đã khiến tiến độ giải phóng mặt bằng khu vực này chậm chạp, chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

          Sẽ theo kịp tiến độ

          Con số hơn 90% đất sạch đã bàn giao cho Nam Hội An giai đoạn 1 coi như đã tạm ổn. Theo Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam, tổng diện tích bồi thường, giải tỏa giai đoạn 2 cho dự án này khoảng 145,18ha sẽ hoàn thành quý IV.2018. Để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư, Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam đã mời Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cùng phối hợp thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 với diện tích 65,8/145,18ha, số còn lại công ty sẽ thực hiện. Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã kiểm đếm 32% số hộ bị ảnh hưởng hơn 44% diện tích được giao phối hợp giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói chính quyền địa phương, cơ quan bồi thường, giải phóng mặt bằng đã liên tục vận động, hỗ trợ thêm kinh phí cho người dân nhưng công tác quản lý hiện trạng, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Cuộc cưỡng chế, phá dỡ công trình hộ bà Võ Thị Hương, Trần Thị Thanh và ông Võ Ngọc Trân tại thôn Sơn Viên (xã Duy Nghĩa) vào sáng 26.5 cũng chỉ là giọt nước tràn ly.

          Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho hay, dự án Nam Hội An đã thống nhất phương án điều chỉnh trên thực tế tại Duy Xuyên và Thăng Bình, phù hợp với nhu cầu trước mắt của nhà đầu tư. Khu vực nào chưa giải phóng được, nhà đầu tư sẽ chờ, chuyển sang vị trí mới, tập trung giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư. Cuộc đàm phán thỏa mãn hai bên nên sẽ không có chuyện nhà đầu tư khởi kiện Quảng Nam. Ngoài 1 dự án đã cấp phép, 4 dự án thỏa thuận đầu tư, hiện có rất nhiều nhà đầu tư đăng ký. Số lượng đất đăng ký theo đề nghị của các chủ đầu tư lên đến mấy chục nghìn héc ta.

          Không chỉ giải quyết giải phóng mặt bằng, quản lý hiện trạng, việc kết nối giao thông, hoàn thiện hạ tầng thiết yếu cũng là vấn đề cần triển khai nhanh chóng ở vùng đông. Ông Diện cho hay, nguồn lực đầu tư hiện nay gặp khó, nhưng UBND tỉnh đã ưu tiên cấp vốn cho vùng đông hoàn thiện hạ tầng xương sống như đường ven biển từ Hội An đi Tam Kỳ và tiếp tục đầu tư từ Tam Kỳ đi đến sân bay Chu Lai. Sẽ hoàn thiện từng đoạn theo đúng quy chuẩn để đủ điều kiện thông tuyến và đủ các làn xe cho nhà đầu tư đưa các dự án vào khu vực này. Tổng vốn đầu tư các dự án vùng đông khoảng 10.000 tỷ đồng (kể cả cầu Cửa Đại, tuyến ven biển, các trục giao thông đường nhánh, các khu TĐC, nghĩa địa…). Vốn sẽ được cấp theo từng giai đoạn (kể từ năm 2009) đã đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Số còn lại cũng đã có nguồn vốn gồm vốn vay ODA, ADB, trái phiếu chính phủ và vốn của các nhà đầu tư. Doanh nghiệp sẽ đầu tư hạ tầng và nguồn ngân sách tỉnh cấp theo từng giai đoạn. Hiện làm thủ tục để cấp 350 tỷ đồng vốn đầu tư vào khu vực này. “Với các giải pháp đồng bộ của tỉnh và địa phương ven biển, hy vọng sẽ đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng cho những dự án chiến lược đang được đầu tư tại vùng đông” - ông Diện nói.

TRỊNH DŨNG

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19801734
Hôm nay
Hôm qua
5855
10160