Hội nghị trực tuyến ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trước ảnh hưởng của hiện tượng El nino do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hôm 31.10 đã đề ra nhiều giải pháp thích ứng với tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn...
Thiếu nước nghiêm trọng
Quảng Nam hiện có 73 hồ chứa nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích 21.450ha/vụ. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay mới chỉ có 13 trong tổng số 73 hồ tích đủ nước, các hồ chứa còn lại chỉ mới đạt 30 - 50% dung tích. Tổng lượng nước tại các hồ chứa vừa và lớn thiếu khoảng 230 triệu mét khối. Trong số đó, đáng chú ý là hồ chứa nước Phú Ninh thiếu 169,8 triệu mét khối, hồ Việt An thiếu 17,12 triệu mét khối, hồ Vĩnh Trinh thiếu 9,94 triệu mét khối. Trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, hiện có 4 hồ chứa nước thủy điện có ảnh hưởng đến nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ du là Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4. Số liệu thống kê cho thấy đến thời điểm này, mực nước tại thủy điện Sông Tranh 2 mới chỉ đạt 159,36/172m; A Vương: 356,53/380m; Sông Bung 4: 213,10/222,5m; Đăk Mi 4: 245,90/258m. Như vậy, tổng lượng nước thiếu hụt là 652 triệu mét khối. Ông Võ Văn Điềm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, lượng mưa ít, dòng chảy ở các sông suối đạt thấp là những điều đã được nhận thấy về thủy văn của Quảng Nam trong thời gian qua. Hiện trạng này nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2016 nên nguy cơ thiếu nước tưới cho sản xuất và xâm nhập mặn vào hạ lưu các sông Vu Gia, Thu Bồn, Bàn Thạch là rất lớn.
Tận dụng tối đa nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết.
Theo bản tin đặc biệt về El nino năm 2015 và báo cáo nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa đông xuân năm 2015-2016 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng El nino tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta và có khả năng đạt cường độ mạnh kỷ lục như thời kỳ 1997-1998 và kéo dài nhất trong vòng 60 năm trở lại đây. Do vậy, tại khu vực miền Trung, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm. Tổng lượng mưa sẽ rất ít, lượng nước tưới cho nông nghiệp sẽ thiếu hụt nghiêm trọng so với nhiều năm qua. “Dự báo từ tháng 11.2015 đến tháng 5.2016, lượng dòng chảy trên các sông suối ở miền Trung sẽ giảm dần và thiếu hụt từ 40% đến 60% so với mức trung bình nhiều năm. Thiếu hụt dòng chảy trên các sông suối sẽ khiến cho tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp tại miền Trung đến sớm hơn so với mức trung bình nhiều năm. Bởi vậy, các tỉnh miền Trung cần chủ động ứng phó” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói.
Nỗ lực ứng phó
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, trong thời gian đến, đảm bảo ổn định nguồn nước cho sinh hoạt đã khó, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp càng khó hơn. Bởi vậy, mỗi tỉnh, thành trong cả nước cần phải có kế hoạch cụ thể chủ động tích trữ nước, tiết kiệm sử dụng nguồn nước cũng như dung hòa nguồn nước cho các hoạt động thủy điện - thủy lợi - sinh hoạt - sản xuất nông nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ NN&PTNT trực tiếp chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến của khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động phối hợp với các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện phù hợp các giải pháp thiết yếu để ổn định nguồn nước, phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp cũng như các hoạt động dân sinh. “Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tăng tần suất truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình, diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn để cùng cộng đồng chung tay chủ động ứng phó. Cơ cấu lại mùa vụ, giống cây trồng cho thích hợp với thời tiết cực đoan, cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, tiết kiệm nước” - Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo.
Để chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, nhiễm mặn, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trước hết là tiếp tục kiểm tra, đánh giá và quản lý chặt chẽ hơn nữa nguồn nước; tính toán cân đối khả năng cung cấp nước cho các nhu cầu sử dụng, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là xây dựng lịch mùa vụ và cơ cấu giống, cây trồng phù hợp. Các phương án cụ thể về phòng chống hạn hán cho từng hệ thống công trình cung cấp nước, thủy lợi cũng phải được tính toán và xây dựng hợp lý. Quảng Nam đề xuất với Trung ương quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng kiên cố các đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) và sông Đầm (TP.Tam Kỳ) cũng như nâng cấp các hồ chứa nước nhỏ bị hư hỏng, xuống cấp.
Chủ động gieo sớm lúa đông xuân
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, hạn hán khốc liệt có thể sẽ diễn ra tại miền Trung trong vụ đông xuân đến. Để ứng phó, các tỉnh, thành cần xuống giống lúa đại trà tập trung từ ngày 10 đến ngày 31.12.2015, tuyệt đối không gieo muộn hơn thời điểm ngày 5.1.2016.
Quảng Nam cần ưu tiên sử dụng các giống chủ lực như HT1, OM4900, Thiên ưu 8, DV108, TB-R1, KDĐB. Với những diện tích không chủ động hoàn toàn nguồn nước, không đủ điều kiện chuyển đổi cây trồng cạn cần chủ động gieo sớm hơn lúa đại trà chính vụ (trước ngày 10.12). Vùng trũng rút nước chậm vào cuối mùa mưa, có thể xuống giống muộn hơn lúa đại trà (sau ngày 31.12), có thể gieo mạ cấy để rút ngắn thời gian sinh trưởng. Về lâm nghiệp, cần rà soát lại kế hoạch chuẩn bị cây giống, xử lý thực bì và trồng rừng phù hợp với thời tiết diễn biến khô hạn, đồng thời hạn chế khả năng xảy ra cháy rừngÔng Võ Văn Điềm cho biết, trong vụ sản xuất đông xuân, ngành nông nghiệp sẽ vận động nhân dân ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, đắp bờ vùng bờ thửa, tận dụng tối đa lượng nước tiêu từ các công trình thủy lợi cũng như nguồn nước ao hồ, sông suối để chống hạn. Quảng Nam đã lên kế hoạch nạo vét kênh dẫn và bể hút tại các trạm bơm trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn; nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp gây ách tắc dòng chảy như Ái Nghĩa, Lạc Thành (Vu Gia), Bàu Vân, Cù Bàn (Thu Bồn). “Chúng tôi đang chủ động duy tu, bảo dưỡng các máy bơm điện để tăng cường vận hành, tận dụng tối đa nguồn nước từ các sông. Việc đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt trên các nhánh sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Bàn Thạch cũng sẽ được khẩn trương xúc tiến thực hiện” - ông Điềm nói.
QUANG VIỆT - VĂN SỰ