Do đặc điểm địa hình chạy dọc theo bờ sông Thu Bồn nên đa số diện tích đất tự nhiên ở xã Duy Châu thuộc dạng trũng thấp. Vì vậy, nơi đây trở thành vùng rốn lũ mỗi khi xuất hiện vài trận mưa lớn. Trong 10 năm qua đã hứng chịu nhiều trận lụt lớn, nhất là vào các năm 2007, 2009, 2011 hay 2013 khiến hàng chục nhà dân bị ngập sâu hơn 2 mét. Nhiều nhà cửa bị hư hỏng, xiêu vẹo, hơn 50% diện tích sản xuất nông nghiệp bị mất trắng, 30% gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Vì vậy, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Còn tại xã Duy Trinh, do địa bàn thấp lụt, lại có nhánh sông Thu Bồn chảy qua và nằm ngay dưới chân hồ chứa nước Vĩnh Trinh, dễ gánh chịu thiệt hại về người và tài sản khi có lụt bão xảy ra nên địa phương này sớm chủ động xây dựng phương án phòng, chống lụt bão. Theo đó, UBND xã Duy Trinh củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão, kiện toàn đội xung kích phòng chống lũ Hồ chứa nước Vĩnh Trinh. Thống nhất phương án phòng chống lụt bão- giảm nhẹ thiên tai, với phương châm “ chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, lấy phòng là chính. Trong những tình huống xảy ra lũ lớn, xã Duy Trinh di dời các hộ dân sống ven sông ở xóm Xuân Sơn, Bắc Sơn đến xóm Nam Sơn thôn Chiêm Sơn, thôn Đông Yên sẽ di dời các hộ dân xóm Vĩnh An, xóm Thuận An đến triền núi úc Đáp, riêng xóm Vạn Buồng thôn Phú Bông và xóm Mới thôn Thi Lai. Đặc biệt, đối với hồ chứa nước Vĩnh Trinh có diện tích lưu vực 29 km2, khối lượng nước trong lòng hồ 20,6 triệu mét khối, sẽ có đội thanh xung kích, người dân xóm Nam Sơn và những vùng lân cận sẵn sàng cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2000 đến nay, huyện Duy Xuyên gánh chịu hơn 30 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, khoảng 35 đợt lũ lụt, 15 cơn lốc xoáy và nhiều thiên tai khác. Chỉ riêng bão lũ đã làm nhiều người chết, hàng trăm người bị thương. Nhiều ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, phòng học bị tốc mái, tàu thuyền hư hỏng, trụ điện ngã đổ, hàng trăm ha hoa màu vụ đông và lúa gieo cấy kỳ bị ngập úng, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, bão lũ cũng đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm hộ dân của làng Tĩnh Yên (xã Duy Thu), Lệ Bắc (xã Duy Châu), Vạn Buồng (xã Duy Trinh), Phước Mỹ (xã Duy Phước), Trung Phường (xã Duy Hải). Riêng năm 2016, cơn bão số 4 và những đợt không khí lạnh kết hợp nhiễu gió đông trên cao gây mưa to đến rất to đã khiến 44ha lúa bị ngã đổ, 697ha hoa màu bị hư hại, 37ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn. Cạnh đó, nhiều tuyến đê, hồ đập, đường giao thông nông thôn bị sạt lở nặng.Tổng giá trị thiệt hại lên đến 65 tỷ đồng.
Ông Văn Bá Năm -Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn kiêm phó Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên cho biết, để chủ động ứng phó với bão lũ, địa phương sớm xây dựng các phương án đối phó, đặc biệt lưu ý đến các vùng xung yếu. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng tránh thiên tai, tuyệt đối không chủ quan, lơ là thì những đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, nhất là hồ chức Vĩnh Trinh, Thạch Bàn và Phú Lộc. Ngoài ra, các địa phương thành lập các đội cứu nạn, cứu hộ, chuẩn bị phương tiện, vật tư, trang thiết bị để triển khai kịp thời khi có người bị nạn. Đối với trên biển, chính quyền huyện Duy Xuyên tích cực phối hợp với bộ đội biên phòng nắm bắt số lượng tàu thuyền ra khơi, thông tin nơi tránh trú an toàn. Trong trường hợp tàu đánh bắt cá của ngư dân bị tai nạn trên biển thì tích cực triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn và thông báo về tỉnh để tiếp ứng.
Phi Thành