Sáu mươi năm hành trình của mái trường dài tựa đời người. Từ ngôi trường này, bao lứa học trò đã tung cánh bay xa, để bây giờ nhìn lại vẫn bồi hồi vẹn nguyên bao ký ức với mái trường nép mình bên dòng sông Thu yên ả.
Trường THPT Sào Nam (Duy Xuyên) là một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục Quảng Nam. Ảnh: Nhà trường cung cấp
“Gánh” tên trường... chạy bom đạn
Khởi thủy từ một trường bán công với cơ sở vật chất do nhân dân đóng góp xây dựng vào năm 1958 vì “nóng ruột”, bởi trước đó các địa phương lân cận như Điện Bàn, Quế Sơn, Hội An đều đã có trường trung học khang trang. Đi vào giảng dạy từ năm 1959, đến mùa hè năm 1961, lứa học trò đầu tiên của trường dự thi “Trung học Đệ nhất cấp” tại Hội An và đỗ với tỷ lệ 80%, một tỷ lệ rất cao thời đó.
Thầy Dương Hữu Thu - Hiệu trưởng Trường THPT Sào Nam cho biết: “Từ năm 1959 đến 1968, chiến tranh diễn ra ác liệt trên mảnh đất Duy Xuyên nhưng đâu đó vẫn còn những phút giây yên bình cho thầy trò nhà trường học tập. Có thời điểm, vì bom đạn thầy cô không đến được trường, nhưng khả năng tự học của học sinh thế hệ đó rất tốt nên vẫn đảm bảo kiến thức và sự học không gián đoạn”.
Nhiều thế hệ học sinh trưởng thành từ mái trường này sẽ không bao giờ quên được ký ức thầy trò cùng long đong “gánh” tên trường chạy khắp nơi trong giai đoạn 1968 - 1974 chỉ vì niềm say mê con chữ đến tột cùng. Bom đạn ác liệt đã làm ngôi trường Trung học công lập Duy Xuyên sụp đổ. Nhiều cựu học sinh rưng rưng khi nhắc về thầy hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai và những ngày cũ. Thầy Mai đã chạy đôn chạy đáo từ Vĩnh Điện (Điện Bàn) xuống Hội An để tìm chỗ dạy; chỉ cần che mưa, che nắng cho lũ học trò là đều có thể trở thành “mái trường”.
Thầy Nguyễn Văn Anh - nguyên giáo viên môn Vật Lý Trường THPT Sào Nam kể: “Hồi chúng tôi theo thầy Mai khăn gói xuống Hội An học, lúc chưa thuê được đình Cẩm Phô làm trường tạm, thầy trò cứ chạy vạy chỗ này học một buổi, chỗ kia học một buổi nhưng mà phải đợi lớp người ta học xong mình mới tranh thủ vào học bất kể đêm ngày”.
Ươm những mầm xanh
Đất và người Duy Xuyên những năm sau chiến tranh trải qua bao đận khốn khó, nhưng cái nghèo dường như càng thôi thúc bao lứa học sinh nơi đây “mài” chí học hành mơ ngày tung cánh bên trời. Ông Lưu Ngọc Khoa, cựu học sinh Trường THPT Sào Nam niên khóa 1977 - 1980, hiện sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh, vẫn nhớ như in những ngày mà mình và bạn bè đồng trang lứa ngược chiều mưa đến trường trên còn đường bùn lầy đá lởm chởm; rồi những ngày chen chúc nhau trên chuyến đò ngang chòng chành đến nỗi rơi tuột hết cả sách vở theo dòng nước xoáy, chỉ biết nuốt nước mắt thắt ruột nhìn theo.
Năm tháng qua đi, mái Trường THPT Sào Nam vẫn lặng lẽ ở đó, nuôi dưỡng cho khát vọng đổi đời, khát vọng thành người của bao thế hệ cư dân địa phương. Với nhiều thế hệ cựu học sinh khi nhìn lại, đó không chỉ là mái trường mà như trở thành ngôi nhà thân thương chứa đựng một trời kỷ niệm của thời thanh xuân tươi đẹp.
Có trường hợp thú vị như gia đình ông Nguyễn Hoàng Thịnh (cựu học sinh niên khóa 1977 - 1980) cả 7 anh chị em trong nhà cùng học dưới mái Trường THPT Sào Nam. Thế là, khóa trước anh tốt nghiệp, khóa sau em ra trường, chị đang học lớp trên, em vào học lớp dưới. “Bảy anh em chúng tôi có hai điểm chung rất thiêng liêng là chung gia đình và chung mái trường. Lần lượt từ năm 1977 đến 1992, mái trường này đã ươm mầm để anh em chúng tôi vào đời” - ông Thịnh nói.
Phát huy truyền thống
Nối tiếp nhau vượt qua gian khó, bảng vàng của trường đến nay đã được tô điểm bằng 45 giải học sinh giỏi quốc gia, hơn 600 giải học sinh giỏi cấp tỉnh và được Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) xếp vào tốp 100 trường THPT có điểm thi đại học cao nhất Việt Nam vào năm 2010.
Hiệu trưởng trường THPT Sào Nam - Dương Hữu Thu cho biết, từ khi thực hiện phân luồng học sinh sau THCS, phạm vi tuyển sinh của nhà trường chỉ còn ở địa bàn thị trấn Nam Phước và một phần xã Duy Phước, nhưng thành tích dạy và học của nhà trường vẫn đảm bảo. Trong suốt 3 năm qua, Trường THPT Sào Nam luôn dẫn đầu cuộc thi học sinh giỏi toàn tỉnh khối không chuyên.
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, Trường THPT Sào Nam từ khi thành lập đến nay luôn là ngọn cờ đầu trong phong trào dạy và học của tỉnh. Từ nền móng vững chãi thời PTTH Duy Xuyên đến bệ phóng tốc lực khi trường đổi tên thành THPT Sào Nam là cả một quá trình kế thừa và phát triển không mệt mỏi của thầy và trò nhà trường.
Ở mái trường này không có chỗ cho sự tồn tại của lối dạy “ăn gạo đong”, nghĩa là chỉ chuẩn bị kiến thức vừa đủ cho một đơn vị bài học, bởi sự háo hức chiếm lĩnh tri thức của học trò luôn luôn thường trực. Và rồi như một quy luật lây lan tích cực, thầy chong đèn nghiên cứu, trò cần mẫn luyện tài như mưa dầm thấm lâu, cái truyền thống ấy lại duy trì và phát triển.
“Tôi đã nhìn thấy dòng chữ “Kinh sư dị đắc, nhân sư nan tầm” treo trên dãy phòng học của trường, tạm hiểu là thầy dạy chữ dễ tìm, thầy dạy làm người khó kiếm. Tôi mong quý thầy cô của trường luôn khắc sâu 8 chữ trên” - ông Quốc chia sẻ.
QUỐC TUẤN