Trong thời gian gần đây, tại Trung tâm y tế huyện Duy Xuyên số cas mắc bệnh thủy đậu gia tăng. Đáng chú ý là đa số là trẻ mắc bệnh và đều bị lây từ người nhà. Tuy đây là một bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị đúng cách sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, màng não.
Thủy đậu (hay gọi là trái rạ) là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra lây chủ yếu qua đường hô hấp, lây qua các giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân hắt hơi, ho, nhảy mũi hoặc các bóng nước bị vỡ ra.
Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước.
Khi bị thủy đậu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 – 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 đến 5 ngày.
Vì là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Dùng dung dịch xanh Methylene để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
Nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch, thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch. Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.
Mặc dù bệnh có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vắc-xin. Đối với người chưa mắc thủy đậu hoặc trẻ trên 12 tháng tuổi nên đi tiêm chủng 1 liều duy nhất tại khoa y tế dự phòng Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên.