Thời tiết lạnh trong thời gian gần đây là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người nhập viện vì liệt dây thần kinh số 7. Tại khoa Đông Y-Phục hồi chức năng Trung tâm Y tế Duy Xuyên số người nhập viện tăng. Đa số các bệnh nhân nhập viện đều ở trong tình trạng mắt mở không nhắm được, hoặc mắt nhắm mắt mở, mồm bị méo, cười nói khó, mặt mất cân xứng: bên liệt trông như mặt nạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, miệng và nhân trung méo về bên lành.
Liệt dây thần kinh số 7 xảy ra rất phổ biến trong mùa lạnh, gặp ở mọi lứa tuổi (kể cả trẻ em) nhưng gặp nhiều hơn ở những người lớn tuổi. Liệt mặt tuy không đe dọa đến mạng sống của bệnh nhân nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống khiến bệnh nhân nhai khó bên liệt, ăn uống bị rơi vãi. Khi mặt bị liệt, mắt sẽ nhắm không kín nên dễ gây các bệnh về mắt như loét giác mạc và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Để phòng tránh méo miệng, liệt mặt, mùa lạnh cần giữ ấm, tránh để nhiễm lạnh, nhất là lạnh đột ngột. Tránh ngồi trúng luồng gió, không tắm quá khuya, nếu trời lạnh, đi ra ngoài cần có khẩu trang, khăn ấm, nên bịt kín tai để lạnh giảm tác động vào dây thần kinh số 7.
Hiện nay tình trạng nhiều phụ huynh đưa trẻ đi học trong mùa đông, dù trời lạnh nhưng lại hay để trẻ ngồi hoặc đứng ở trước xe, như vậy là rất nguy hiểm bởi trong trường hợp dù trẻ được mặc ấm thì đứng phía trước xe như vậy, vô tình gió lạnh sẽ tạt hết vào mặt, rất dễ gây liệt mặt.
Không nên đi tập thể dục quá sớm, nhất là người cao tuổi. Sáng sớm khi mới ngủ dậy, nên nằm trên giường vài phút cho tỉnh táo trước khi ra ngoài, sau đó mặc quần áo ấm rồi mới ra ngoài môi trường lạnh. Nên ăn uống đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp.
Liệt dây thần kinh số 7 là một bệnh lành tính và thường được chữa khỏi hoàn toàn khi đến viện khám, chữa trị kịp thời và đúng cách. Nếu không, bệnh có thể để lại di chứng liệt cứng và điều trị rất khó khăn. Vì vậy, khi có dấu hiệu mắt nhắm không kín, tê 1 bên mặt, uống nước chảy ra ngoài, ăn khó, méo miệng… thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị đúng cách tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra./.
Lê Thị Thảo Nguyên
.