Tết Âm lịch Mậu Tuất đang đến gần, đây là dịp để mọi người vui chơi, giải trí, thăm ông bà, người thân… sau 1 năm bộn bề công việc. Nhưng đây cũng là thời điểm mà bạn sẽ đi theo những cuộc vui, những bữa tiệc hội ngộ mà đôi khi quên mất sự chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình. Cộng thêm yếu tố thời tiết thay đổi từ mùa đông sang xuân, càng làm cơ thể thêm mệt mỏi nên dễ mắc bệnh đặc biệt là bệnh đường tiêu hóa. Vì thế chúng ta cần phải trang bị những kiến thức để xử trí khi cần thiết. Sau đây là một số bệnh thường gặp.
Đầy hơi, trướng bụng: Đây là rối loạn thường gặp nhất của các bệnh lý đường tiêu hóa. Đó là biểu hiện no hơi, nặng bụng, khó chịu do có sự tích khí trong đường tiêu hóa, do tiêu hóa không tốt, thức ăn ứ đọng ở dạ dày. Nguyên nhân chủ yếu là do trong những ngày đầu xuân ăn uống thất thường, ăn quá nhiều các chất đạm, lạm dụng rượu, bia, cà phê, bánh, kẹo, gia vị gây kích thích. Xử trí bằng cách dùng gừng giã nhỏ lấy nước hòa với nước ấm rồi uống hoặc chườm ấm vùng bụng. Nếu không đỡ thì có thể dùng các thuốc trị khó tiêu đầy bụng như thuốc chống đầy hơi, thuốc giảm tiết dịch vị dạ dày, thuốc điều hòa sự co bóp dạ dày, ruột hoặc sử dụng các loại men tiêu hóa có bán tại các nhà thuốc tây, và cũng chỉ nên dùng trong thời gian 3 đến 4 ngày.
Tiêu chảy, nôn ói do ngộ độc thức ăn:Triệu chứng thường là nôn ói và đi chảy, đôi khi có sốt. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hơn hay tiêu chảy nhiều hơn. Cần bù nước và điện giải bằng cách uống nhiều nước, uống dung dịch oresol (1 gói hòa với 1 lít nước đun sôi để nguội). Ngoài ra có thể dùng một số thuốc có tác dụng hấp thụ, thuốc làm chậm nhu động ruột. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc cầm tiêu chảy khi có ý kiến của thầy thuốc.
Táo bón: Mọi người có xu hướng ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, các loại thức ăn chế biến nhiều từ thịt, lại ăn ít rau, do đó, sẽ dễ mắc chứng táo bón. Xử trí bằng ăn nhiều hoa quả, trái cây, rau và uống nhiều nước. Chỉ sử dụng thuốc nhuận tràng khi thực hiện các biện pháp trên không có hiệu quả, trước khi sử dụng thuốc cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
Viêm dạ dày ruột cấp: Viêm dạ dày cấp được hiểu là phản ứng viêm chỉ hạn chế ở niêm mạc, có đặc tính khởi phát và diễn biến nhanh chóng do tác dụng của các tác nhân độc hại hoặc nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân chủ yếu là do uống nhiều rượu, bia và sử dụng các chất kích thích như cà phê, ớt, biểu hiện chủ yếu là đau bụng cồn cào nóng rát vùng thượng vị, kèm theo ợ hơi, ợ chua, có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn; trường hợp nặng có thể có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa là nôn ra máu và đại tiện phân đen, gặp các triệu chứng trên nên đến ngay cơ sở khám chữa bệnh điều trị kịp thời.
Phòng tránh các rối loạn tiêu hóa nên áp dụng một số biện pháp sau:
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện" ăn chín, uống chín" chế độ ăn uống hợp lý, cân đối 4 nhóm thực phẩm gồm có chất bột đường, chất béo, chất đạm, khoáng chất và vitamin; đủ lượng rau xanh, uống nước từ 2 đến 2 lít rưởi/ ngày (đối với người lớn); hạn chế việc sử dụng rượu và đồ uống có cồn, bánh, mứt, kẹo; có thể sử dụng chè tươi, các loại trà thảo dược như trà hoa cúc, hoa lài. Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, để bảo đảm sức khỏe vui Tết, đón xuân.
BS Lê Thị Thảo Nguyên