Đó là trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị Lời
(36 tuổi, trú xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) sau khi được đưa
vào Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên.
Theo anh Lê Mót,
chồng chị Lời, ngày 16-9 chị đến Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên chờ sinh thì
các bác sĩ thông báo khô ối nên phải nhập viện. Đến ngày 18-9, chị Lời được bác
sĩ cho sinh thường nhưng sau đó bác sĩ tiến hành mổ lấy ra bé trai nặng 3,3kg
và lập tức cho chuyển đến Bệnh viện phụ sản-nhi Đà Nẵng. Cũng theo anh Mót, sau
ca phẫu thuật, bác sĩ nói với gia đình là đã cắt tử cung của chị Lời. Con anh
Mót được cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi và tử vong vào ngày 27-9 do bị ngạt
vì hít phải nước ối.
Trao đổi về vụ
việc, bác sĩ Võ Đức Ánh - trưởng khoa sản Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên - cho
biết chị Lời nhập viện trong tình trạng chưa chuyển dạ nhưng phải nằm lại bệnh
viện theo dõi vì thiểu ối, rất nguy hiểm. Ngày 18-9, bác sĩ can thiệp để cổ tử
cung mở, tim thai tốt nên cho sinh thường. Nhưng rặn sinh được 15 phút thì tim
thai dao động, dấu hiệu suy tim nên phải mổ. Trong quá trình mổ, phát hiện đờ
tử cung, không co bóp, gây chảy máu nên các bác sĩ hội chẩn trên bàn mổ và cắt
tử cung. Cháu bé sau mổ nhịp tim thấp, ngạt do hít phải nước ối nên được chuyển
ra Đà Nẵng.
Trả lời câu hỏi vì
sao sản phụ bị khô ối gây nguy hiểm mà bác sĩ không tiến hành mổ sớm thì bác sĩ
Ánh cho rằng: “Do ngày 16-9 sản phụ vào viện không phải ca trực của tôi, đến
ngày hôm sau tôi tiếp nhận thì cũng làm theo phương pháp cơ học, can thiệp để
tử cung mở. Khi có dấu hiệu chuyển dạ mới mổ được”.
Ngoài ra, trong ca
phẫu thuật, sản phụ không có máu để truyền, phải huy động người nhà đến để
truyền máu. Bác sĩ Nguyễn Văn Thạnh - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên -
thừa nhận không có máu lưu trữ mà phải sử dụng ngân hàng máu sống từ chính các
nhân viên tại đây để truyền cho bệnh nhân! Ông Nguyễn Văn Hai - giám đốc Sở Y
tế tỉnh Quảng Nam
- cho biết ông chưa nhận được thông tin về sự việc này. “Tôi sẽ yêu cầu Trung
tâm Y tế huyện Duy Xuyên báo cáo rõ vấn đề này” - ông Hai cho biết.