Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, ngành giáo dục H. Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đã tích cực đưa những chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương vào chương trình học bằng cách làm hay, thực tế.
Tham quan các di tích lịch sử, văn hóa giúp giáo dục truyền thống quê hương tới thế hệ học sinh.
Vừa qua, hội thi làm phim tài liệu “Tự hào là người con Duy Xuyên” đã thu hút 15 trường THCS trên địa bàn H. Duy Xuyên tham gia. Mỗi phim dự thi có thời lượng 7 đến 10 phút, học sinh làm nhiệm vụ dẫn chuyện và đọc lời bình bằng tiếng Anh, giáo viên làm biên tập, quay phim, dàn dựng, phiên dịch tiếng Việt chạy phụ đề trên màn hình. Thầy Trương Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Châu Trinh (xã Duy Châu) chia sẻ, nhắc đến lịch sử đấu tranh cách mạng ở Duy Châu, không ai quên vụ thảm sát Vĩnh Trinh. Để tưởng nhớ các vị anh hùng liệt sĩ, chính quyền địa phương đã xây dựng khu tưởng niệm và nơi đây được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Vì vậy, Trường THCS Phan Châu Trinh chọn chủ đề này làm phim dự thi. “Trong quá trình thực hiện, nhà trường gặp khá nhiều khó khăn. Song, thành quả lớn nhất chính là giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, giúp các em học sinh hiểu được giá trị của cuộc sống hôm nay và có thái độ trân trọng, gìn giữ di tích”, thầy Nguyên nói.
Thầy Nguyễn Văn Tùng - Phó Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (thị trấn Nam Phước) cho biết, để hoàn thành tác phẩm về làng cổ Mỹ Xuyên Đông, trường đã huy động 30 giáo viên, học sinh cùng tham gia thực hiện từ khâu viết kịch bản, dàn dựng, quay phim, xử lý hậu kỳ đến kỹ năng thuyết trình, dẫn chuyện bằng tiếng Anh. Thầy Tùng chia sẻ: “Hội thi là dịp để các em học sinh hiểu sâu hơn những di tích lịch sử trên quê hương mình. Chúng ta luôn trân trọng công lao của cha ông ngày trước trong công cuộc dựng xây và phát triển vùng đất này, nhất là đối với thế hệ trẻ”.
Ông Phùng Hoàng - Trưởng Phòng GD-ĐT H. Duy Xuyên cho biết: “Hội thi lần đầu tiên tổ chức nhưng hiệu quả mang lại rất lớn trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp giáo dục kỹ năng tuyên truyền, giới thiệu về di sản, di tích của quê hương cho học sinh. Đồng thời qua đó, góp phần để mọi người biết, hiểu và cùng nhau tham gia gìn giữ, phát huy giá trị di tích, di sản. Đặc biệt, đây là dịp để ngành giáo dục huyện đánh giá hiệu quả công tác giảng dạy bộ môn tiếng Anh trong nhà trường, giúp các em học sinh phát huy được năng khiếu cá nhân, khả năng diễn thuyết bằng tiếng Anh”.
Bên cạnh việc tổ chức sân chơi lịch sử cho các em, Duy Xuyên còn chú trọng đến công tác đưa lịch sử địa phương vào chương trình học. Công tác giảng dạy lịch sử địa phương đã có trong phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT từ cấp tiểu học đến THPT nhưng việc thực hiện không đồng bộ, chưa thống nhất. Số tiết dành cho giáo dục lịch sử địa phương quá ít nên giáo viên chỉ giảng dạy khái quát mà không đi sâu. Hơn nữa, các tiết học này đưa vào cuối chương trình, cuối học kì nên chất lượng giảng dạy thấp. Hiểu được vấn đề này, Phòng GD-ĐT H. Duy Xuyên đã sớm có chỉ đạo cho các trường TH và THCS có kế hoạch tham mưu với chính quyền địa phương xã để sưu tầm những tư liệu về truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương nhằm phục vụ cho các tiết dạy lịch sử, văn hóa địa phương.
Thông qua việc lồng ghép giảng dạy lịch sử địa phương cùng với lịch sử đất nước Việt Nam trong các giờ học môn Lịch sử và các giờ sinh hoạt ngoại khóa đã giúp cho học sinh có những hiểu biết cơ bản về truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng của mảnh đất, con người Duy Xuyên. Từ đó giáo dục các em lòng yêu quê hương gắn kết với tình yêu đất nước, lòng tự hào về truyền thống lịch sử đấu tranh của cha ông ngay trên mảnh đất mà các em đang sống và học tập. Qua đó bước đầu hình thành cho các em nhân cách sống.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, vì tư liệu giảng dạy đều do các giáo viên tự sưu tầm nên chưa mang tính thống nhất. Bên cạnh đó, thời gian cho các tiết học chưa nhiều, chưa có kinh phí để các em tham quan di tích nên thời gian tới cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa để mang lại hiệu quả cao hơn.
Đồng Dao