A+ A A-

Chuyển biến tích cực trong dạy và học môn Mĩ thuật ở Duy Xuyên

    Nhờ mạnh dạn, sáng tạo đổi mới trong phương pháp dạy và học môn Mỹ thuật ở cấp Tiểu học (TH) và Trung học Cơ sở (THCS) nên những năm qua, ngành giáo dục huyện Duy Xuyên đã gặt hái được nhiều thành công với bộ môn này. Song song với đó vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thử thách.

   Đổi mới, sáng tạo

   Bắt đầu từ năm 2011, phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Duy Xuyên đã thành lập tổ Mỹ thuật của toàn huyện. Theo đó, các tổ Mỹ thuật của các trường TH và THCS trên địa bàn được liên kết với nhau. Khoảng 2 tháng 1 lần, đơn vị này sẽ tổ chức sinh hoạt giao ban tại từng trường (luân phiên thay đổi). Tại đây, các thầy cô sẽ được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với nhau nhằm trau dồi kiến thức và kỹ năng giảng dạy. Tính đến hiện tại, huyện Duy Xuyên là địa phương duy nhất trong toàn tỉnh thành lập được tổ Mỹ thuật trên quy mô toàn huyện.

   Học sinh sẽ là trung tâm trong phương pháp dạy học mới. Ảnh: PHAN VINH

Học sinh sẽ là trung tâm trong phương pháp dạy học mới. Ảnh: PHAN VINH   

   Ông Lê Trung Thiêng - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Duy Xuyên cho biết: “Dù là một môn năng khiếu nhưng những năm qua, phòng đánh giá cao những lợi ích mà môn Mỹ thuật mang lại đối với học sinh. Song song với các môn học khác, Mỹ thuật kích thích được tư duy sáng tạo và trí thông minh của học sinh. Hơn nữa, bộ môn này giúp các em tăng khả năng tương tác, gần gũi hơn với thế giới quan xung quanh, nhờ vậy có thể ngăn ngừa, hạn chế được tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ đang xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi học sinh”.

 

 

   Cũng theo ông Thiêng, bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, phòng GD&ĐT huyện Duy Xuyên đã áp dụng phương pháp đổi mới trong cách dạy và học môn Mỹ thuật theo hình thức Đan Mạch (gọi tắt là phương pháp Đan Mạch). Đây là phương pháp dạy học phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Kích thích sự tương tác, tư duy sáng tạo và phát triển nhận thức. Từ đó, các em có thể hình thành và phát triển 3 năng lực cốt lõi: Sáng tạo Mỹ thuật và biểu đạt bản thân qua suy nghĩ, tình cảm, mong muốn. Hiểu, cảm nhận và phản ánh được hình ảnh của sản phẩm. Giao tiếp, trao đổi, tiếp nhận ý tưởng và ý nghĩa thông qua sản phẩm Mỹ thuật.

    “Việc giảng dạy theo phương pháp Đan Mạch ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo phòng GD&ĐT cũng như sự chia sẻ của tổ Mỹ thuật huyện nên chúng tôi đã nhanh chóng tiếp cận và triển khai thành công phương pháp này. Qua đó, các em học sinh được trải nghiệm cách dạy mới cảm thấy rất hứng thú với môn học. Đặc biệt, các em còn hoàn thành những tác phẩm xuất sắc, vượt qua sự mong đợi của các thầy cô” - cô giáo Võ Thị Mỹ Quyên - giáo viên phụ trách môn Mỹ thuật của trường TH số 1 Duy Phước chia sẻ.

    Nhiều khó khăn, thử thách

   Những năm qua, các tác phẩm dự thi môn Mỹ thuật cấp quốc gia của học sinh huyện Duy Xuyên luôn được giải cao. Cụ thể, trong 4 năm liền đã vinh dự nhận được các giải Nhất, Nhì, Ba,... với chủ đề “Ý tưởng trẻ thơ” và “Ô tô mơ ước”. Tuy nhiên, song song với những thành tích đó, ngành giáo dục huyện Duy Xuyên cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy và học môn Mỹ thuật. Việc thành lập tổ Mỹ thuật huyện không nằm trong quy chế nên vấp phải nhiều hạn chế về kinh phí hoạt động. Mỗi lần tổ chức giao ban, sinh hoạt ngoại khóa cho giáo viên và học sinh chủ yếu nhờ vào kinh phí của trường đăng cai.

   Nhiều học sinh đã sáng tác những tác phẩm vượt qua sự mong đợi của giáo viên. Ảnh: PHAN VINH

Nhiều tác phẩm của học sinh có chất lượng rất tốt. Ảnh: PHAN VINH 

   Mặt khác, phương pháp Đan Mạch đòi hỏi các em học sinh phải chuẩn bị rất nhiều dụng cụ cá nhân, nhưng phần lớn các em ở những xã vùng sâu đều có hoàn cảnh khó khăn. Trong phương pháp dạy học mới này có nhiều quy trình yêu cầu đáp ứng tốt cơ sở vận chất.

    Thầy Nguyễn Đức Phụng - giáo viên trường TH Duy Phú cho biết: “Phần cơ bản và cũng khá quan trọng trong phương pháp dạy học Mỹ thuật mới này là hoạt động vẽ theo nhạc. Khi triển khai phải dùng loa phát nhạc với âm lượng lớn để các em học sinh nghe, nếu không có phòng học riêng biệt thì rất dễ ảnh hưởng đến các lớp kế bên đang học những bộ môn khác”.

   Hiện nay, cấp TH mới áp dụng phương pháp Đan Mạch còn cấp THCS thì vẫn đang dạy và học theo kiểu truyền thống. Vì vậy, dù thực sự đam mê môn Mỹ thuật ở cấp dưới nhưng khi lên đến lớp 6, nhiều học sinh cảm thấy hụt hẫng. Về sau sẽ lơ là và xem nhẹ môn học này. Theo ông Thiêng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do Ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh học sinh chưa thật sự coi trọng môn Mỹ thuật. Đa phần đều hướng các em tập trung vào các môn tự nhiên xã hội.

   Sắp tới, phòng GD&ĐT huyện Duy Xuyên sẽ triển khai áp dụng phương pháp Đan Mạch vào giảng dạy ở cấp THCS. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, làm việc với lãnh đạo các trường THCS trên địa bàn. Trong các buổi họp giữa giáo viên và phụ huynh học sinh sẽ lồng ghép trình bày lợi ích của việc học môn Mỹ thuật để họ hiểu và thay đổi tư duy. Hơn nữa, phòng sẽ tổ chức và cho các em học sinh có năng khiếu đi tham gia tại các cuộc thi Mỹ thuật trong tỉnh và toàn quốc.

   “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo địa phương cần quan tâm hơn nữa đối với công tác dạy và học môn Mỹ thuật. Đặc biệt là vấn đề đầu tư về cơ sở vật chất cũng như bố trí học phòng chuyên dụng ở từng trường. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ dễ khiến các em học sinh ở độ tuổi từ 6 -10 khô khan và thụ động thì môn học này sẽ kéo các em gần với thiên nhiên và năng động hơn” - ông Thiêng cho biết thêm.

PHAN VINH

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19804646
Hôm nay
Hôm qua
19
8748