Phải mất hàng chục năm vừa làm vừa học, nỗ lực tìm tòi nghiên cứu, đội ngũ công nhân trùng tu và cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn tự tin, bình đẳng khi làm việc với chuyên gia nước ngoài, góp phần phục dựng, tăng thêm sức hút khu di tích Mỹ Sơn.
Chuyên gia Ấn Độ và cán bộ kỹ thuật Mỹ Sơn bên đài thờ A10.
Chú trọng “trùng tu khảo cổ học”
Dưới cái nắng bỏng rát của mùa hè trong thung lũng Mỹ Sơn, ông Nguyễn Năm quê ở thôn Nhuận Sơn, xã Duy Phú (Duy Xuyên) vẫn tỉ mỉ đục đẽo từng viên gạch, cố gắng tạo ra hình dạng tương đồng với những viên gạch cũ còn lại ở di tích.
Ông Năm là một trong những công nhân địa phương có thâm niên làm nghề trùng tu di tích lâu nhất tại đây. Từ năm 2004, ông đã tham gia trùng tu các tháp Mỹ Sơn dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Italia. Vốn chỉ là “dân ngoại đạo” nhưng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, bàn tay vốn quen cuốc cày của người nông dân này dần mềm mại, thuần thục với các chi tiết trùng tu rất chi li, phức tạp.
Ông Nguyễn Năm bộc bạch: “Tôi tham gia trùng tu Mỹ Sơn đã hơn 15 năm, bắt đầu từ năm 2004 với các chuyên gia Ý. Nhóm chuyên gia của Ý vừa làm vừa đào tạo, như pha chế chất kết dính, rồi xử lý gạch. Vài năm sau, tôi dần nắm bắt được kỹ thuật. Rồi được làm việc với các chuyên gia Ấn Độ để học tập thêm”. Góp sức trùng tu xong khu tháp K, H, bây giờ ông Năm cùng đồng nghiệp bắt tay phục dựng một phần nhóm tháp A.
Công nhân địa phương trùng tu tháp A10.
Dự án Bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp K, H, A do Chính phủ Ấn Độ tài trợ hơn 50 tỷ đồng, phần vốn đối ứng của Việt Nam khoảng 10 tỷ đồng, thực hiện trong 5 năm. Từ cuối năm 2016, chuyên gia Viện Khảo cổ Ấn Độ đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu tư liệu các đền tháp Mỹ Sơn. Tháng 3.2017, dự án bắt đầu triển khai thực địa, tiến hành khai quật kết hợp trùng tu tại các nhóm tháp. Trong hai năm 2017 - 2018, công việc trùng tu hai nhóm tháp K và H hoàn thành tốt đẹp.
Ông J.Rang Math - chuyên gia Bảo tồn Ấn Độ, cho biết: “May mắn đất nước chúng tôi cũng có các đền tháp ở phía nam có tính tương đồng với các đền tháp tại Mỹ Sơn, nên thuận lợi trong việc trùng tu. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi sử dụng kỹ thuật truyền thống là chính cùng với những tiến bộ khoa học của Ấn Độ. Chúng tôi cũng sử dụng gạch ngay tại địa phương cùng với đó là dầu rái, chất kết dính rất đặc trưng tại đây. Trong quá trình thi công, chúng tôi cũng chú trọng đến yếu tố khí hậu của địa phương”.
Điểm chung trong phương pháp trùng tu mà chuyên gia Ba Lan trước đây, tiếp theo là Ý rồi Ấn Độ hiện nay ở chỗ đều áp dụng tại Mỹ Sơn phương pháp “trùng tu khảo cổ học”. Trường phái này đề cao bảo tồn yếu tố gốc, gia cố, gia cường để giữ những khối kiến trúc hiện còn, không chủ trương phục nguyên, không làm mới di tích khi không có cơ sở.
Phục dựng và đào tạo
Nỗ lực hoàn thành trùng tu tháp A10 trong tháng 7.2020
Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết sẽ nỗ lực hoàn thành việc trùng tu tháp A10 trong tháng 7 này. Sau đó bắt tay vào trùng tu một phần tháp A1 hiện còn, dựng lại 6 trụ cửa và 2 đà lanh tô, tìm kiếm một số phần của đài thờ có thể đang bị chôn vùi... Theo kế hoạch, năm 2021 dự án Ấn - Việt trùng tu các nhóm tháp K,H, A sẽ kết thúc. “Những gì đã đạt được cho thấy dự án này đạt hiệu quả cao. Minh chứng tại khu tháp K, H, kết quả trùng tu đã góp phần tăng thêm giá trị, sức hấp dẫn của khu đền tháp Mỹ Sơn. Một khi khu tháp A trùng tu xong sẽ giúp giảm quá tải du khách lên các khi tháp B, C, D. Và một điều quan trọng nữa là Dự án hợp tác Ấn - Việt đã tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ trùng tu di tích Mỹ Sơn trưởng thành cả về nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực trùng tu. Đồng thời đào tạo được một đội ngũ công nhân lành nghề đang và sẽ trở thành lực lượng nòng cốt cho công tác trùng tu Mỹ Sơn giai đoạn tiếp theo” - ông Nguyễn Công Khiết khẳng định.
Nhiều năm qua, cùng với sự phục sinh của từng phế tích, Mỹ Sơn cũng đào tạo thêm công nhân trùng tu lành nghề, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn ngày càng trưởng thành.
Ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, cho biết: “Từ năm 2003 đến 2013, với chương trình hợp tác của Chính phủ Italia, các chuyên gia Italia đã hỗ trợ đào tạo được hơn 100 công nhân làm nghề trùng tu tại Mỹ Sơn. Khi thực hiện dự án do Chính phủ Ấn Độ đài thọ, chúng tôi tuyển dụng lại được hơn 50 người và tuyển mới 50 công nhân, cũng là người địa phương. Với phương châm người cũ hướng dẫn người mới, vừa làm vừa học theo các chuyên gia, dần dần mọi người cũng đã quen việc”.
Đấy chính là cái cách để ông Nguyễn Năm trưởng thành và bây giờ trở thành thợ cả hướng dẫn cho lớp sau: “Bây giờ thì lớp công nhân cũ như chúng tôi đã quá nhuần nhuyễn rồi. Lớp cũ hướng dẫn cho lớp mới về kỹ thuật pha chế vữa dầu rái, cách làm bột gạch, dán viên gạch sao cho bảo đảm…”.
Ông Nguyễn Thanh Mật, một “lính mới” nói: “Mấy anh thợ trước chỉ dẫn lại cách làm sao để những viên gạch cho đến nét cưa phải sít sao, vừa khéo và phải đúng theo khuôn mẫu ngày xưa. Càng làm tay nghề càng nâng lên và yêu công việc hơn”.
Thật ra tiền công thợ ở đây không cao, lành nghề như ông Nguyễn Năm chỉ 250 nghìn đồng/ngày nhưng họ vẫn gắn bó. “Những người làm lâu, có kinh nghiệm như chúng tôi chỉ hơn những người mới vô vài chục nghìn thôi. Dù vậy anh em lâu nay vẫn làm việc rất tích cực. Như tháp A10 này, ban đầu nhìn “đống gạch” cũng oải nhưng anh em tự giác làm, bữa nay đã cơ bản rồi” - ông Năm nói.
Đánh giá về nhóm công nhân Mỹ Sơn, chuyên gia bảo tồn Ấn Độ - ông J. Rang Math cho hay, trước đây họ đã làm việc với các chuyên gia Ý, sau 3 năm gần đây làm các nhóm tháp K và H nên có kinh nghiệm. Nhóm công nhân này có nhiều kỹ năng như cắt gạch, thậm chí những nơi hoa văn khó cũng đều làm được.
Tự tin, bình đẳng
Công tác tại Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, anh Lê Minh là người thuộc hàng “thâm niên”. Từ năm 1986, Lê Minh đã là một “học trò” được Kazik (tên thân mật của kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski) rất quý mến và quan tâm đào tạo. Những năm tháng làm việc với các chuyên gia Ba Lan rồi đến chuyên gia Ý, cộng với tinh thần tự học, tự nghiên cứu, Lê Minh trưởng thành rất nhiều, trở thành cán bộ cốt cán, phụ trách nhóm kỹ thuật của Ban Quản lý di tích du lịch Mỹ Sơn. Chính điều này đã giúp anh và đồng nghiệp Việt đã có thể làm việc tự tin, bình đẳng với các chuyên gia nước bạn. Với những hiểu biết sâu sắc về quần thể đền tháp Mỹ Sơn, nhóm cán bộ kỹ thuật này đã chủ động phối hợp với đồng nghiệp Ấn Độ đưa ra giải pháp thích hợp cho việc trùng tu các nhóm tháp K, H và hiện nay là nhóm tháp A.
Đầu tháng 6 vừa rồi, nhóm trùng tu Ấn - Việt đã gặt hái được một thành quả xuất sắc. Đó là việc tái phát hiện bộ linga - yoni liền khối cùng với 3 khối còn thiếu trong tổng số 17 khối đá của đài thờ vốn bị chôn vùi trong lòng tháp A10 và đã sắp xếp lại chính xác đài thờ 5 tầng đá này. Bộ linga - yoni liền khối đang được làm hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Thành quả tái phát hiện, tái định vị này có đóng góp quan trọng của nhóm cán bộ kỹ thuật Mỹ Sơn, cũng là minh chứng cho sự trưởng thành về khoa học của họ.
“Việc phát hiện các phần còn thiếu của đài thờ A10 và bộ linga - yoni liền khối tại A10 với chúng tôi là điều không quá bất ngờ. Vì qua nghiên cứu các tài liệu của người Pháp để lại và một số tài liệu khác về tháp A10, chúng tôi đã nắm được thông tin. Tôi tin rằng nó sẽ làm phong phú thêm các giá trị của khu tháp A cũng như Mỹ Sơn và nhất định sẽ được xếp hạng bảo vật quốc gia” - anh Lê Minh nói.
Về nhóm cán bộ người Việt hợp tác làm việc lâu nay tại Mỹ Sơn, ông J. Rang Math khẳng định: “Chúng tôi đánh giá rất tốt về nhóm kỹ thuật của Mỹ Sơn, ngoài công việc trùng tu các nhóm tháp K, H, A ra, nhóm kỹ thuật cũng có những nghiên cứu các nhóm tháp khác ở Mỹ Sơn. Tôi rất ngưỡng mộ, cảm kích tinh thần ham học hỏi, tìm hiểu của nhóm kỹ thuật tại Mỹ Sơn trong quá trình hợp tác. Đặc biệt, vốn kiến thức về trùng tu di tích chúng tôi cũng học hỏi từ nhóm kỹ thuật của Mỹ Sơn rất nhiều. Chúng tôi không thể vỗ tay bằng một bàn tay được và chúng tôi đã phối hợp tốt với nhau. Chúng tôi làm việc trên tinh thần học hỏi trao đổi lẫn nhau để lựa chọn phương án trùng tu tốt nhất”.
DUY HIỂN - THANH NHẤT