Sở VH-TT&DL vừa nghiệm thu bàn giao tháp E7 cho Ban quản lý Di tích
và du lịch Mỹ Sơn (Duy Xuyên) sau 4 năm trùng tu, giúp du khách có thêm điểm
tham quan mới. Tuy nhiên xung quanh công tác bảo tồn ở đây vẫn còn nhiều nỗi
lo.
Tiếp nối thành công
Tháp E7 đã hoàn thành việc trùng tu. Ảnh: V.LỘC
Khởi công năm 2011,
dự án trùng tu tôn tạo tháp E7 do Sở Văn hóa- Thể thao và Du
lịch làm chủ đầu tư, Viện Bảo tồn di tích Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch thiết kế thi công, tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng. Qua gần 4 năm thực hiện,
từ một kiến trúc đối diện với nguy cơ sụp đổ, phải dùng giàn giáo chằng chống,
đến nay tháp E7 không chỉ trở nên vững chãi mà diện mạo cũng được phục hồi gần
như nguyên vẹn. Ngoài phần chân đế được gia cố từ thời cố kiến trúc sư Kazic,
các mảng tường, mái tháp, lanh tô, cửa sổ, con tiện… nay đã được trùng tu hoàn
chỉnh, làm cho tháp E7 trở nên nổi bật giữa không gian 2 nhóm tháp E và F. Tuy
vẫn còn một số hạng mục như tường bao, sân nền, cải tạo cảnh quan… chưa hoàn
chỉnh nhưng có thể khẳng định tháp E7 đã hồi sinh được 80% so với bản vẽ của
kiến trúc sư người Pháp - Henry Parmentier để lại từ đầu thế kỷ XX. Dù phải cần
thêm thời gian kiểm chứng tính hiệu quả về vật liệu cũng như phương pháp trùng
tu nhưng không phủ nhận việc bàn giao tháp E7 đã tiếp nối thêm những thành công
mới trong công tác bảo tồn các đền tháp Mỹ Sơn vài năm trở lại đây, nhất là sau
khi dự án bảo tồn trùng tu nhóm tháp G kết thúc.
Theo ông Hồ Xuân Tịnh
- Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, dù vẫn còn quá sớm
để đánh giá hiệu quả trùng tu, nhưng không phủ nhận kết quả lớn nhất của dự án
là đã tạo dựng lại hình dáng ban đầu của ngôi tháp, đặc biệt là trong khi chúng
ta chưa có những giải pháp trùng tu tốt hơn. Đồng tình với ý kiến trên, ông
Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn khẳng định, dự án hoàn
thành đã góp phần mang đến điểm tham quan mới cho du khách trong hành trình
khám phá Mỹ Sơn. Điều này được thể hiện rõ nét tại nhóm tháp G sau khi mở cửa
đón khách năm 2014. “Các tháp G và E7 đang bắt đầu phát huy hiệu quả. Bây giờ
du khách đến Mỹ Sơn ngoài chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc tâm linh của
người Chăm còn có thể tìm hiểu các phương pháp trùng tu đền tháp, hiểu hơn cách
thức mà người Chăm xưa đã tiến hành xây dựng tháp, vốn là điều bí ẩn lâu nay” -
ông Hộ chia sẻ.
Thời gian qua, Ban
quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, trùng
tu nhỏ ở khu đền tháp như lót lại gạch tại những bậc cấp mòn vẹt; gia cố chân
tháp A1; diệt mối mọt; phục hồi đoạn tường bao các tháp B, C, D; phát lộ chống
xâm thực 2 nhóm tháp A và L… Đơn vị cũng đã trao đổi, hợp tác với Viện Sinh
thái lập dự án kè suối Khe Thẻ bằng các loại cây cỏ đoạn qua các tháp B, C, D,
A
Vẫn lo tháp đổ
Dự án trùng tu tháp
E7 (trước đó là nhóm tháp G) được xem là đã có sự thành công khi mang đến diện
mạo mới cho Mỹ Sơn, giúp hồi sinh những công trình đổ nát, tuy nhiên chừng đó
vẫn chưa đủ. Theo ông Phan Hộ, nỗi lo lớn nhất của Mỹ Sơn hiện nay chính là sự
nghiêng lún và phân rã của 2 tháp B3 và F1. Trong đó, nguy hiểm nhất phải kể
đến tháp B3 với độ nghiêng lún mỗi năm một tăng, dù là rất nhỏ. Qua kiểm tra
cho thấy, hiện tháp đã nghiêng hơn 8 độ về phía tây nam. Ngoài ra, các vết rạn
nứt trên tường cũng xuất hiện nhiều hơn, nhất là trong lòng kiến trúc. Cá biệt,
có vết nứt kéo dài gần 6m và rộng 8 - 12cm, một số viên gạch tại vết nứt đã bị
bong rơi rất nguy hiểm. Ngoài những ảnh hưởng bởi bom đạn thời chiến tranh (vết
tích còn lại là hố sâu cách tháp khoảng 5m) thì nguyên nhân rạn nứt và nghiêng
lún tháp B3 chủ yếu do ảnh hưởng của nền đất yếu và sự xâm thực từ dòng Khe Thẻ
tác động vào gây nên hiện tượng ngấm nước làm ẩm mục chân tháp, nhất là vào mùa
mưa lũ. “Phân viện Xây dựng miền Trung thuộc Bộ Xây dựng đã 2 lần vào đây tiến
hành khảo sát, lập các bước nghiên cứu nhằm chống lún tháp B3 cũng như nhóm
tháp B, C, D. Tuy nhiên, đến nay phân viện vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu hạn
chế chống lún tháp B3. Mình lo thì vẫn lo nhưng lực bất tòng tâm, vì vấn đề này
nằm ngoài tầm của Ban quản lý di tích. Chúng tôi cũng đã nhiều lần báo cáo, đề
xuất với UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL và các đơn vị liên quan nhưng được trả lời
là đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa có kết luận giải pháp nên phải chờ”
- ông Hộ cho biết.
Nghiêm trọng nhất
hiện nay phải kể đến tháp F1, hiện trạng không khác gì một đống gạch đổ hỗn độn
được chằng chống, níu kéo bởi những trụ sắt. Càng đáng lo ngại hơn khi hầu hết
gạch của tháp đã bị bạc màu và rạn đứt mạch liên kết. Nguyên nhân là việc tách
rời giữa khai quật khảo cổ và trùng tu thời gian trước đã dẫn đến kết quả bong
vỡ F1 như hôm nay. Trong khi đó, dự án hợp tác với phía Ấn Độ vẫn chưa thấy
động tĩnh gì, dù theo kế hoạch tháng 5.2016 các chuyên gia sẽ vào Mỹ Sơn. Ông
Hồ Xuân Tịnh nhìn nhận, với hiện trạng 2 tháp B3 và F1 như hiện nay rất khó cho
ai “dám” đụng vào, chưa nói với F1 muốn trùng tu phải hạ giải xuống hết trong
khi kinh phí hiện nay rất hạn chế do nguồn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu về
bảo tồn di sản của Bộ VH-TT&DL đã không còn. “Trong cuộc họp trực tuyến với
Bộ VH-TT&DL tại Đà Nẵng mới đây, tôi cũng đã đề xuất trung ương phải có
trách nhiệm chứ không thể khoán trắng cho địa phương được” - ông Tịnh cho biết.
THÂN VĨNH LỘC