Ngày 28 tháng 10 năm 2022, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Danh thắng Quảng Nam, Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn phối hợp với nhóm chuyên gia thuộc Viện khảo cổ Ấn Độ tổ chức toạ đàm nhằm đánh giá bước đầu kết quả 6 năm triển khai thực hiện dự án hợp tác bảo tồn và trùng tu các nhóm đền tháp A, H và K tại di sản Mỹ Sơn. Giới thiệu những kết quả nổi bật của dự án từ công tác phát lộ và trùng tu tại các nhóm đền tháp A, H và K. Đồng thời thảo luận, trao đổi, đối thoại giữa những người quản lý, chuyên gia và người làm công tác bảo tồn về kinh nghiệm trùng tu các đền tháp gạch, tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị các nhóm đền tháp đã trùng tu.
Quang cảnh buổi toạ đàm
Theo Ông Chitranjan Kumar - Trưởng đoàn chuyên gia trùng tu, Viện khảo cổ học Ấn Độ (ASI): “Trong số nhiều nhóm tại khu đền tháp Mỹ Sơn, các nhóm A, H & K đã được cơ quan ASI xác định lựa chọn để bảo tồn với sự tham vấn của chính quyền địa phương. Năm 2011, tiến hành báo cáo quan sát sơ bộ, phác thảo mô tả về địa điểm và điều kiện của các nhóm đã được xác định. Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ và Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vào tháng 10 năm 2014. Từ năm 2014 đến năm 2016 đã có nhiều nhóm chuyên gia tiến hành các khảo sát chi tiết và sau đó tiến hành công tác bảo tồn các nhóm đền tháp A, H và K. Các nhóm trước khi trùng tu đã ở trong tình trạng hư hại nghiêm trọng. So sánh các tài liệu trước đó của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, nhiều công trình hầu như sập đổ hoàn toàn do chiến tranh trong đó có ngôi đền nổi tiếng A1, nhiều hiện vật và thành phần kiến trúc bị bom phá huỷ. Với mục tiêu bảo tồn tối đa yếu tố gốc của di tích và tái định vị các thành phần kiến trúc cũng như trả nguyên vị cho các hiện vật được xác định. Gia cường gia cố, ổn định các khối xây, xây dựng hệ thống thoát nước, lối tham quan và trưng bày tại chỗ các hiện vật phát lộ được trong quá trình trùng tu”.
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn, cho biết: Từ các phế tích kiến trúc khảo cổ học như các nhóm đền tháp A, H và K, sau khi trùng tu cho đến nay, các nhóm đền tháp đã được bảo tồn một cách vững chắc, trả lại phần nào hình dạng của các công trình kiến trúc Hindu xưa. Phát lộ nhiều hiện vật có giá trị như đài thờ Mỹ Sơn A10 đã được công nhận bảo vật quốc gia năm 2021 và các nhóm đền tháp này trở thành nơi nghiên cứu, tham quan cho du khách. Chúng tôi sẽ luôn duy tu bảo dưỡng và phát huy các nhóm đền tháp này.
Buổi toạ đàm còn thảo luận về các kinh nghiệm trùng tu các di tích gạch, đá ở Nam Ấn Độ đến di tích Mỹ Sơn, các vấn đề về phát huy giá trị các di tích và hiện vật sau khi bảo tồn và trùng tu, kinh nghiệm sử dụng vật liệu trong trùng tu.
Văn Khoa