Bảo tàng là nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật, là nơi để mọi người thăm quan nghiên cứu và là một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều loại hình Bảo tàng như: Bảo tàng hiện đại, Bảo tàng tự nhiên, Bảo tàng đương đại, Bảo tàng sinh thái... trong số đó có Bảo tàng chuyên đề thuộc cấp huyện là Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa huyện Duy Xuyên.
Bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh- Chăm pa
Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa nằm ở thôn Kiệu Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, gần trung tâm kinh đô Trà Kiệu xưa, trên trục đường Quốc lộ 14H nối liền 2 Di sản văn hóa thế giới Hội An - Mỹ Sơn. Nơi đây là sự hòa quyện độc đáo giữa văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa đến văn hóa Đại Việt. Chính điều đó đã tạo nên một bản sắc văn hóa riêng có của mảnh đất Duy Xuyên, vừa mang tính bản địa vừa có tính giao thoa, tiếp biến của các nền văn hóa cổ phương Đông. Bảo tàng nằm trên trục đường chính, giao thông đi lại dễ dàng thuận tiện cho du khách và mọi người. Bảo tàng được xây dựng đúng công năng, kiểu dáng được phá cách từ những nét kiến trúc độc đáo của người Chăm, vừa dân tộc vừa hiện đại.
Năm 2003,UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Duy Xuyên đã cho khởi công xây dựng Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa và mở cửa đón khách từ tháng 12 năm 2009, đây là nơi lưu giữ và trưng bày hiện vật của hai nền văn hóa Sa Huỳnh và Chămpa.
Trên diện tích xây dựng: 475 m2,Bảo tàng trưng bày theo 2 phần trọng tâm như tên gọi của nó đó là Bộ Sưu tập hiện vật văn hóa Sa Huỳnh Duy Xuyênvà Bộ Sưu tập hiện vật văn hóa Champa Trà Kiệu và các vùng phụ cận.
Đối với bộ sưu tập thứ nhất Văn hóa Sa Huỳnh Duy Xuyên, theo các kết quả nghiên cứu Khảo cổ học cho biết, cách đây khoảng 2.500 năm, những lớp cư dân đầu tiên và là một bộ phận của cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã có mặt ở đây. Sau những lớp người Tiền sử, Sơ sử ấy, Duy Xuyên tiếp tục là địa bàn sinh tụ và phát triển của cư dân văn hóa Chămpa (thế kỉ II đến thế kỉ XV).
Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa được xác định vào khoảng năm 1000 (TCN) đến cuối thế kỷ thứ 2, cách đây hơn 2500 năm. Nền văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng với văn hóa Đông Sơn (phía Bắc), văn hóa Óc Eo ( phía Nam) tạo thành tam giác văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam. Văn hóa Sa Huỳnh được nhà Khảo cổ người Pháp M.Vi-Ne phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 khi ông tìm thấy bên đầm An Khê, một đầm nước ngọt ở Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi, một số lượng lớn quan tài bằng chum ( khoảng 200 chiếc). Người ta gọi Di tích Khảo cổ đó là Kho chum Sa Huỳnh. Sau đó năm 1934, một nhà Khảo cổ học người Pháp khác, bà Ma-Đơ-Lanh-Cô-La-Ni đã tiếp tụcmở rộng không gian nghiên cứu ra các vùng lân cận và tìm được hàng trăm mộ chum tương tự. Đến năm 1935 bà công bố những phát hiện của mình tại một hội nghị Tiền sử Viễn Đông ở Manila (Philipin) và xác lập tên gọi trong một báo cáo khoa học ở tập san " Những người bạnHuế xưa” năm 1936. Cũng từ đó cái tên Sa Huỳnh và thuật ngữ Văn hóa Sa Huỳnh được xác lập và có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với các nhà nghiên cứu.
Chum kép, chum hình trụ
Sa Huỳnh, một cánh đồng muối ven biển nằm ở cửa sông Trà Bồng (xã Phổ Thanh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Những mộ chum chôn trong đất liền là nơi họ gửi gắm linh hồn, đánh dấu những vùng đất mà họ đã đến. Từ đó đến nay, nhất là từ sau năm 1975 có rất nhiều cuộc điều tra, thám sát và khai quật các di tích khảo cổ thuộc nền văn hóa này. Hàng ngàn mộ chum được phát hiện và đào lên từ lòng đất. Ngoài di tích mộ táng, một số di tích cư trú đã được phát hiện. Nhiều vấn đề của nền văn hóa nổi tiếng này bước đầu đã lộ diện và được làm sáng tỏ.
Những hiện vật văn hoá Sa Huỳnh ở Duy Xuyên được trưng bày tại Bảo tàng rất phong phú, đa dạng về chất liệu, loại hình, kiểu dáng như: Chum mộ, đồ gia dụng, đồ trang sức, công cụ sản xuất ... Đây là những hiện vật được khai quật tại di tích Gò Mã Vôi và Gò Dừa.
Bộ Sưu tập thứ hai: Hiện vật văn hóa Champa Trà Kiệu và các vùng phụ cận: Tuy chưa cóbằng chứng xác thực nào về mối quan hệ tiếp biến hay kế thừa giữa Văn hóa Sa Huỳnh,Văn hóa Chămpa nhưng ở đây chúng ta sẽ bắt gặp được những minh chứng cho phép những suy luận và liên tưởng của mình có phần lô-ríc và hợp lí hơn ở vùng đất Duy Xuyên đa tầngvăn hóa này.
Về Duy Xuyên, nói về văn hóa Chămpa thì không thể không nhắc đến cái tên Trà Kiệu, một thời là kinh đô của vương quốc Chămpa hùng mạnh - kinh thành Sư Tử (Simhapura - Trà Kiệu).
Simhapura ra đời dưới triều vua Bhadvarman trị vì Chămpa vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4. Tiếc rằng đến nay chúng ta mới trùng tu phần nào về Mỹ Sơn. Còn Trà Kiệu, hình bóng về kinh đô cổ xưa của vương quốc Chămpa (hay còn gọi là Lâm ấp) nằm trên bờ sông Thu Bồn chỉ còn những chân móng tường thành sụp đổ bị chôn vùi trong đất đá hoặc cô đọng lại trong vài trang sử nhỏ. Các hiện vật thuộc văn hoá Chămpa chủ yếu bằng chất liệu đá và gốm đất nung như: Tượng, Phù điêu, gạch, ngói... và đồ trang sức bằng thuỷ tinh...
Điều đặc biệt tại Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh-Chămpa còn lưu giữ được bộ hiện vật đồ gia dụng bằng gốm đất nung mà ít Bảo tàng nào có được
Ngày nay sự vận động của xã hội và những biến đổi của lịch sử có thể làm mất đi hoặc xuất hiện các nền văn minh vật chất hiện hữu trên mặt đất. Nhưng những nét văn hóa truyền thống mang tính nhân văn bao giờ cũng tồn tại với thời gian. Chúng ta cần gìn giữ và phát huy các giá trị tiềm tàng từ những bộ sưu tập hiện vật của hai nền văn hóa này để khách trong và ngoài nước biết nhiều hơn về giá trị của hai bộ sưu tập hiện vật tại đây đặc biệt để thế hệ tương lai của quê nhà hiểu biết thêm về lịch sử, quý trọng truyền thống văn hóa, yêu các di sản quê hương mình ./.
Lê Thị Thanh Nhung