Qua hai năm trùng tu tôn tạo, khu tháp K Mỹ Sơn đã chính thức mở cửa đón khách tham quan. Đây là nhóm tháp thứ 3 sau nhóm tháp G và tháp E7 mở cửa đón khách kể từ khi hoàn thành trùng tu trước đó.
Sau khi hoàn thành trùng tu, tháp K trở thành điểm tham quan mới của khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: K.L
Chính thức triển khai trùng tu từ năm 2017, khu tháp K đã được các chuyên gia Ấn Độ phối hợp với Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn tiến hành khai quật phát lộ với diện tích hơn 400m2. Trong quá trình bóc tách, di chuyển lớp đất sâu từ 60 đến 80cm đã phát hiện tháp K có hai cửa ở 2 hướng đông - tây và 2 bức tường thấp chạy song song, kéo dài về hướng khu E, F. Tại cửa hướng tây phát hiện 2 tượng sư tử bằng đá, gần 170 hiện vật là những thành phần kiến trúc, trang trí và nhiều mảnh gốm không tráng men, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc… Sau khi phát lộ, các chuyên gia đã sắp xếp, trưng bày tại chỗ một số hiện vật.
Đặc biệt, kế thừa các phương pháp trùng tu đã được thực hiện trước đây ở nhóm tháp G (mài nhẵn bề mặt gạch và dùng dầu rái làm chất kết dính) các chuyên gia Ấn Độ cũng sử dụng dầu rái và bột gạch ở lớp trên bề mặt; lớp dưới và lõi tường sử dụng vôi, cát và bột gạch, kết hợp giữa gạch cũ và gạch mới phù hợp từng vị trí… Đồng thời dự án cũng tiến hành trùng tu một số hạng mục của tháp như bậc cấp cửa đông và hai đoạn tường song song của đường dẫn (mỗi bên dài 28m x 0,6m x 0,8m); trùng tu, gia cố phần thân tháp, đỉnh tháp và 2 mảng tường tháp còn lại; xử lý nền và lát gạch bên trong toàn bộ phạm vi khai quật tháp K; khơi thông hệ thống thoát nước, chống ứ đọng nước trong nội khu tháp K (do mặt bằng của tháp thấp hơn khu vực phụ cận)… Bên cạnh đó, tại những góc tường, mảng tường có kết cấu yếu, nghiêng lệch chưa kịp trùng tu được chống đỡ, gia cường bằng gỗ; trùng tu bậc cấp, thành bậc cấp phía tây và phía đông, phần chân tháp phía bắc và phía nam tháp K; làm các bậc cấp bằng gỗ và tạo lối đi để phục vụ tham quan.
Kết thúc giai đoạn 1 (6.2018) dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều liên quan đến khai quật khảo cổ hay cách tổ chức thực hiện dự án… nhưng không phủ nhận sau 2 năm thực hiện, Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn I đã đạt được nhiều kết quả tốt. Trong đó, khu tháp K đã hoàn tất việc bảo tồn tôn tạo và đưa vào phục vụ khách tham quan du lịch. Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, thành công nhất của dự án trùng tu nhóm tháp K là biến tháp K từ một phế tích trở thành một di tích bền vững để giới thiệu cho du khách trong lộ trình di chuyển từ Nhà Đôi đi tháp E, F tham quan Mỹ Sơn. “Trong tình hình nhiều tháp ở Mỹ Sơn bị xuống cấp như hiện nay thì sự hồi sinh của tháp K với những giá trị nguyên gốc có ý nghĩa rất lớn, giúp bổ sung thêm các điểm mới trong hành trình khám phá di sản cho du khách khi đến tham quan Mỹ Sơn” - ông Hộ nhìn nhận.
Lịch sử hình thành và phát triển Mỹ Sơn trải qua hơn nghìn năm với trên 70 đền tháp từng hiện diện. Tuy nhiên, trải qua thời gian, chiến tranh tàn phá, số đền tháp nguyên vẹn còn lại không nhiều. Tại Mỹ Sơn, ngoại trừ 3 nhóm tháp B, C, D tương đối nguyên vẹn, hầu hết nhóm tháp còn lại đã bị sụp đổ hư hại nhiều. Do đó, việc trùng tu thành công mỗi công trình kiến trúc tại Mỹ Sơn sẽ là một bước đi quan trọng và đầy ý nghĩa giúp hồi sinh diện mạo các khu đền tháp Mỹ Sơn xưa. Nói như ông Nguyễn Quốc Dũng - điều hành tour, Công ty TNHH Du lịch An Phú (Hội An): “Du lịch Mỹ Sơn hấp dẫn khách không chỉ ở các giá trị đền tháp mà còn là cảnh quan sinh thái xung quanh. Đặc biệt, du khách sẽ được trải nghiệm, hiểu hơn về các phương pháp và những trường phái bảo tồn kiến trúc Chăm, trong đó tháp K là một điển hình. Đây cũng là nét riêng của du lịch Mỹ Sơn khiến nhiều du khách quan tâm khi đến tham quan di sản này”.
KHÁNH LINH