Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) qua nhiều năm tôn tạo, trùng tu dần có sự ổn định, bền vững hơn.
Đó là cảm nhận chung của nhiều người về thánh địa cổ kính nằm trong một thung lũng khép kín, hiểm trở của Vương quốc Champa xưa. Vì sao Mỹ Sơn có được sự hấp dẫn này?
Công trình mang dấu ấn hợp tác quốc tế
Tôi gặp mẹ con bà Devi (Ấn Độ) tại Bảo tàng Mỹ Sơn khi họ đang chăm chú ngắm nhìn chiếc vòng tay trong gian trưng bày cổ vật của bảo tàng, thỉnh thoảng họ lại quay sang trò chuyện với nhau rất thích thú. Tò mò lại gần bắt chuyện, tôi được họ vui vẻ cho xem chiếc vòng bà Devi đang đeo, như “chị em song sinh” với chiếc vòng tại nhà trưng bày. Hỏi ra mới biết, bà Devi xuất thân từ một gia đình quý tộc ở Ấn Độ và chiếc vòng tay bà đeo vốn là “bảo vật gia truyền” được mẹ bà truyền lại. Vì sự trùng hợp ngẫu nhiên này, bà Devi đã kể cho tôi rất nhiều về những di sản văn hóa tương tự khu đền tháp Mỹ Sơn của Ấn Độ, những di sản ấy cũng được UNESCO ghi danh. Bà nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và tìm ngay đến DSVHTG Mỹ Sơn. Vì thực ra khi sang Việt Nam chúng tôi đã biết về di sản này và mối quan hệ khăng khít với nền văn hóa Ấn Độ. Tôi và con gái đã rất hào hứng chuẩn bị cho chuyến đi. Thực sự khi được nhìn thấy DSVHTG Mỹ Sơn “bằng xương bằng thịt” chúng tôi rất ngạc nhiên. Hầu hết các công trình ở đây giống với các công trình của chúng tôi nhưng nó lại có những khác biệt thú vị. Sự trao đổi văn hóa tại đây khiến chúng tôi vừa cảm thấy gần gũi lại rất mới lạ”.
Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn thu hút các du khách bằng vẻ đẹp bí ẩn.
Vì có nhiều nét tương đồng về văn hóa nên hiện nay các chuyên gia Ấn Độ đang giúp chúng ta rất nhiều trong việc bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản tại DSVHTG Mỹ Sơn. Nước bạn đã cử chuyên gia trùng tu và hỗ trợ luôn cả lương chuyên gia, lương thợ thủ công lành nghề, tiền vật tư, quản lý, tổ chức thực hiện… để giúp ta bảo tồn di sản. Ngay trong năm 2018, tại Quảng Nam cũng diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ về việc dịch các văn bia tại DSVHTG Mỹ Sơn giữa Ban Quản lý DSVHTG Mỹ Sơn và Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế New Delhi (Ấn Độ). Nội dung bản ký kết dựa trên các nguyên tắc bảo tồn DSVHTG Mỹ Sơn. Theo đó, phía Ấn Độ sẽ cử các chuyên gia về tiếng Phạn giúp dịch các văn bia cổ còn lưu giữ ở những công trình kiến trúc của DSVHTG Mỹ Sơn. Đây là dự án mang tính lịch sử trong nghiên cứu văn khắc trên bia Chămpa, dạng chữ Brahmi và Phạn ngữ-một ngôn ngữ có nguồn gốc từ Ấn Độ. Được biết, DSVHTG Mỹ Sơn hiện còn lưu giữ khoảng 35 văn bia có văn tự tiếng Phạn khắc trên các chất liệu gạch và đá. Điều khó khăn nhất hiện nay trong công tác nghiên cứu, dịch thuật nội dung văn tự bằng tiếng Phạn khắc trên các văn bia là nhiều văn bia đã bị vỡ, các mảnh vỡ bị thất lạc, do đó phải tiến hành một cách khoa học, thận trọng và mất khá nhiều thời gian để có thể hoàn thiện.
Không chỉ Ấn Độ, chúng ta còn được hỗ trợ lớn từ các chuyên gia đến từ Ba Lan, Pháp, Ý… Dấu ấn của các chuyên gia nước ngoài đã giúp Việt Nam giữ lại một “báu vật”. Đúng như ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý DSVHTG Mỹ Sơn đã nói với chúng tôi: "Khu vực Mỹ Sơn có may mắn vì quá trình bảo tồn đã sớm được các chuyên gia nước ngoài phát hiện, giữ gìn, giúp sức. Điều này giúp tránh cho Mỹ Sơn trở thành phế tích”.
Hấp dẫn du khách cả bằng những giá trị phụ trợ
Khi đến DSVHTG Mỹ Sơn, điều khiến chúng tôi khá ngạc nhiên là lượng du khách nước ngoài đến đây rất đông, thậm chí nhiều hơn hẳn khách nội địa. Đặc biệt, trong số đó lại có rất nhiều người trẻ, nhiều gia đình mang theo con cháu và chủ tâm giới thiệu di sản này của Việt Nam cho con cháu họ. Ông Henry (Pháp) cùng cậu con trai chừng 7 tuổi bước đi trên những thành quách cổ với sự hào hứng như đang học những bài học lịch sử nước mình. Ông chỉ cho con trai những viên gạch trang trí đền tháp, sự thay đổi đáng kinh ngạc của những gương mặt các vị thần, những linga, những hoa văn cổ đã nhuốm màu thời gian… Được biết, vẻ đẹp và nét lịch sử đặc biệt của DSVHTG Mỹ Sơn đã và đang thu hút ngày một đông du khách đến đây. Lượng khách du lịch đến Mỹ Sơn tiếp tục tăng trưởng, đạt 390.000 lượt khách. Doanh thu qua vé đạt hơn 60 tỷ đồng.
Có thể lý giải sự hấp dẫn của thánh địa cổ kính này. Cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa, Ban quản lý khu di sản cũng đã chú ý hơn tới duy trì các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, như: Trung chuyển xe điện, biểu diễn văn nghệ dân gian, bán vé kết hợp chụp hình, tham quan bảo tàng Mỹ Sơn; tập trung đẩy mạnh phát triển dịch vụ ở vùng phụ cận di tích nhằm kéo giãn khách tham quan và trả lại không gian khu vực vùng lõi; phát triển du lịch cộng đồng; khôi phục lại làng nghề truyền thống… Ông Nguyễn Công Khiết, Phó giám đốc Ban Quản lý DSVHTG Mỹ Sơn cho biết: “Năm 2019, chúng tôi tiếp tục phối hợp thực hiện dự án trùng tu tôn tạo di tích; duy tu bảo dưỡng một số công trình kiến trúc nhằm tạo sự ổn định cho di tích; đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá và giáo dục di sản… Tuy vậy, hiện đề án quy hoạch tổng thể (2008-2020) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008 sắp hết hạn. Chúng tôi mong muốn sớm có đề án chỉnh sửa bổ sung để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được tốt hơn”.
Bài và ảnh: LAN DỊU