A+ A A-

Bảo tồn di tích Mỹ Sơn trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ

           Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ lãnh sự từ năm 1956 và nâng lên thành quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ năm 1972, tiếp tục nâng cấp lên tầm quan hệ đối tác chiến lược.

         

         Từ nền tảng quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp, tháng 9/2016, quan hệ hai nước đã đánh dấu một bước ngoặt mới: nâng mối quan hệ của hai nước lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Trên tầm cao đối tác chiến lược toàn diện, về quan hệ kinh tế, Ấn Độ tiếp tục là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch song phương tăng bình quân 16% năm trong 10 năm qua. Ấn Độ không chỉ tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại mà còn dành nhiều ưu tiên cho Việt Nam trong hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực quan trọng khác. Trong đó, lĩnh vực văn hóa ngày càng trở nên quan trọng, góp phần củng cố nền tảng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng niềm tin, vun đắp tình hữu nghị.

         Thực tế trong những năm gần đây, Ấn Độ là quốc gia trỗi dậy và vươn lên mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương, trở thành một trung tầm chiến lược cả về chính trị, kinh tế, văn hóa. Chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ chọn ASEAN là trung tâm. 

          Việt Nam tích cực hợp tác với Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và các nước ASEAN theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Về lịch sử, hai dân tộc đã đến với nhau từ hàng ngàn năm về trước. Khởi nguồn từ những giá trị tương đồng sâu sắc, bền vững về văn hóa. Cách đây gần 2.000 năm, giữa Ấn Độ và miền Trung Việt Nam đã diễn ra quá trình tiếp xúc văn hóa mà kết quả để lại những dấu ấn đậm nét trong di tích Champa, tiêu biểu là khu đền tháp Mỹ Sơn.

          Khu đền tháp Mỹ Sơn là đại diện nền văn minh Champa từng phát triển rực rỡ, tạo dựng qua hàng ngàn năm được quốc tế khẳng định mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu. Đối với tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên, Mỹ Sơn vẩn chiếm vị trí quan trọng, là cầu nối văn hóa, điểm giới thiệu lịch sử, văn hóa địa phương đầy tự hào, giúp tăng cường tình hữu nghị nhân dân sâu sắc. Trong công tác bảo tồn di tích, Di sản Mỹ Sơn đã trở’ thành điểm gắn kết các di tích Champa miền Trung trong công tác nghiên cứu về giá trị kiến trúc nghệ thuật và mối quan hệ giao lưu với các nền văn hóa khác. Trong đó, Ấn Độ là đất nước có đến 35 di sản thế giới. Nhiều di sản có nét tương đồng với Mỹ Sơn. Đây là những thuận lợi và nền tảng cho quan hệ hợp tác về văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam - Ấn Độ.

          Ngày 28/10/2014, Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ ký kết “Bản ghi nhớ về bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn”. Mục tiêu là bảo tồn ba nhóm tháp A, H và K trong thời gian 5 năm với kinh phí 160 triệu Rupee (tương đương 53 tỷ VNĐ) từ phía Ấn Độ tài trợ. Dự án ra đời đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước trong việc tăng cường quan hệ về văn hóa, khẳng định tình hữu nghị bền chặt của hai dân tộc, từ tầm nhìn chung hướng đến tương lai. Đây là Dự án đầu tiên trên lĩnh vực trùng tu và bảo tồn di tích. Mở ra những dự án trùng tu tháp Chăm khác ở miền Trung Việt Nam vốn còn rất nhiều khó khăn trong bảo tồn hiện nay. Tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao lưu nhân dân, đào tạo nhân lực, phát triển du lịch, nhất là nâng cao số lượng khách tham quan, du lịch, nghiên cứu lịch sử, văn hóa trên thế giới nói chung, hai nước nói riêng.

         

           Để triển khai thực hiện Dự án được ký kết, Chính phủ Việt Nam đã giao cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phân cấp cho Sở văn hóa Thể thao và Du lịch mà cụ thể là Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng Quảng Nam thực hiện. Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn tham gia với vai trò là đơn vị phối hợp trong triển khai thực hiện dự án.

          Quá trình xây dựng dự án được tiến hành từ 2011 đến 2016. Các cơ quan hữu trách phía Ấn Độ đã thực hiện gần chục đợt khảo sát thực địa và làm việc tại Mỹ Sơn, vừa lấy ý kiến góp ý, vừa xây dựng kế hoạch bảo tồn. Kế hoạch thống nhất đảm bảo thực hiện tiến độ theo kế hoạch 05 năm và từng năm một. Nhóm chuyên gia kỹ thuật đến từ Viện Nghiên cứu Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) hiểu rõ và có kinh nghiệm trong trùng tu các tháp Champa, đã từng thực hiện các dự án bảo tồn, trùng tu tại Angkor - Campuchia, Myanmar... được Chính phủ Ấn Độ ủy quyền trực tiếp hợp tác với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam (Bộ văn hóa chỉ đạo Sở Văn hóa TT-DL phối hợp thực hiện dự án). Đây là dự án hợp tác song phương vì vậy không có sự tham gia của nhiều bên như những dự án trùng tu trước đây tại Mỹ Sơn. Việc triển khai dự án được thực hiện theo nguyên tắc bản ghi nhớ cũng rất ít thực hiện trong lĩnh vực bảo tồn di sản hiện nay. Do vậy, cách thức tiến hành có sự khác nhau trong tổ chức.

          Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn trong vai trò phối hợp luôn nhất quán với quan điểm chỉ đạo: Việc triển khai thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo, phục hồi luôn phải đảm bảo cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học. Từ khâu nghiên cứu đến tổ chức tiến hành luôn đặt yếu tố tôn trọng di tích gốc lên hàng đầu. Tuyệt đối không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các yếu tố mang tính giá trị nổi bật toàn cầu. Thực hiện công tác bảo tồn nhưng vẫn phát huy, phát triển bền vững. Thành công của dự án là minh chứng hiệu quả về phương pháp bảo tồn được thiết lập cho di tích thông qua chương trình hợp tác. Những trải nghiệm thực tiễn thông qua dự án sẽ là những kinh nghiệm quý báu đối với đội ngủ cán bộ Ban Quản lý trong công tác phối hợp dự án và thực hiện trùng tu di tích sau này. Đây cũng là cơ hội để đơn vị thể hiện năng lực trong lĩnh vực đối ngoại của mình.

          Giai đoạn tiền dự án, các chuyên gia đã tập trung nghiên cứu bảo tồn một cách khoa học và có hệ thống với những mục tiêu toàn diện và đa dạng, thiết lập các phương pháp bảo tồn đúng theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng, chọn lọc những kết quả từ dự án tháp G vào điều kiện thực tiễn của di tích, bảo tồn tính chân xác và nâng cao giá trị di sản. Trong quá trình thực hiện dự án kết hợp đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ nghiên cứu bảo tồn cho đội ngũ công nhân và cán bộ kỹ thuật tham gia dự án. Công tác nghiên cứu bảo tồn với các hoạt động như lập dữ liệu các công trình kiến trúc hiện còn, nghiên cứu đối sánh kỹ thuật, giải mã những vấn đề then chốt về phương pháp thiết kế, vật liệu truyền thống và các vấn để kỹ thuật khác. Trong giai đoạn này, công tác nghiên cứu thực sự đã có những đóng góp thiết thực cho công tác bảo tồn, trùng tu thực địa tại di tích.  Đây cũng là giai đoạn có ý nghĩa, đặt nền tảng cho quan hệ hợp tác giữa các đơn vị: Trung tâm Bảo tồn di tích Danh thắng Quảng Nam, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, Viện Nghiên cứu Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ. Trong đó vai trò phối hợp, họp tác của Mỹ Sơn là rất quan trọng. Mỹ Sơn đã chủ động tạm ứng kinh phí nhằm tháo gỡ vướng mắc ban đầu trong việc hợp tác. Đã đề xuất, tham mưu nhiều cuộc họp nhằm kết nối hợp tác với các bên liên quan, đồng thời, thực hiện chức năng giám sát, cử cán bộ chuyên môn tham gia ngay từ giai đoạn đầu của dự án, xử lý các vấn đề thông tin phát sinh... 

          Từ tháng 3/2017 đến nay, dự án tiến hành triển khai thực địa, tiến hành khai quật kết hợp trùng tu tại hai nhóm tháp K và H. Đây là những nhóm tháp chưa có sự can thiệp bảo tồn nào. Phương án là vừa bóc tách lớp bao phủ vừa tiến hành trùng tu. Trong thực hiện luôn đề cao bảo tồn yếu tố gốc, bảo tồn gia cố, gia cường để giữ những khối kiến trúc hiện còn, không chủ trương khôi phục hoàn toàn, không làm mới khi không có cơ sở. Chọn các di tích có quỵ mô nhỏ, những khối kiến trúc đơn giản thực hiện trùng tu trước, từ đó tiếp tục thực hiện các kiến trúc khó hơn và tiến đến thực hiện quy mô, tổng thể. Đây là bước đi cẩn thận cần thiết. Chất kết dính cũng là vật liệu đã được sử dụng trước đây. Cụ thể, ở đây chất kết dính là dầu rái trộn với vôi và bột gạch. Toàn bộ vật liệu xây dựng đưa vào trùng tu đều được kiểm soát chặt chẽ và kiểm tra trước khi thực hiện. Gạch mới được chọn với kích cỡ phù hợp, phần móng gạch được tu bổ với việc dùng vữa vôi. Các khối xây bề mặt được liên kết bằng nhựa cây.

          Trong 2 năm triển khai dự án đã phát lộ được hằng trăm hiện vật, gia cố tu bổ, ổn định các khối kiến trúc bền vững, xử lý hệ thống thoát nước, đặc biệt là góp phần nhận diện nhiều giá trị mới tại Mỹ Sơn. Dự án đến nay đã đảm bảo tối ưu nguyên tắc bảo tồn tính chân xác. 
Một kết quả đạt được nữa là, không nằm trong khuôn khổ dự án nhưng qua quá trình kết nối, thực hiện đối ngoại văn hóa, Ban Quản lý đã để xuất Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa quốc tế New Delhi, Ấn Độ về mối quan tâm đối với văn khắc Champa Mỹ Sơn. Đây là một nội dung vô cùng quan trọng giúp ta dịch thuật, ghi chép một cách khoa học, có hệ thống để lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị quý báu có nguy cơ bị bào mòn và mất đi theo thời gian. Với sự nghiêm túc, khoa học và chân thành trong vấn để bảo tồn, các bên đã cho ra đời bản ghi nhớ ký kết vế hợp tác dịch thuật văn bia Mỹ Sơn với 35 văn bia được tiếp cận dịch thuật trong thời gian tới.  

          Làm tốt công tác hợp tác bảo tồn sẽ góp phần tăng thêm nguồn lực cho di sản, tạo sức đề kháng mạnh mẽ, bảo tồn vững chắc, phát huy bền vững. Di sản Mỹ Sơn với những lợi thế so sánh vượt trội về tiềm năng di sản văn hóa, sau một chặng đường bảo tồn, hội nhập và phát triển cùng với sự tiếp sức của nguồn lực bên ngoài qua hoạt động hợp tác bảo tồn, hội nhập và phát triển đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Riêng năm 2018, các chỉ số đạt được về tổng lượt khách tăng trên 12%, doanh thu du lịch ước đạt trên 60 tỷ đồng đã mang lại những thành công khá ngoạn mục, đóng góp cho sự tăng trưởng chung về kinh tế của huyện nhà, góp phần rất lớn tạo nguồn thu cho sự nghiệp hợp tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục hồi, phát huy các giá trị của di sản văn hóa. 
Để Mỹ Sơn trở thành mô hình thành công nhất ở Việt Nam trong quan hệ hợp tác bảo tồn những năm tiếp theo của dự án và lâu dài, thời gian tới chính quyền huyện nhà, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn xác định phải chủ động xây dựng nền tảng nguồn lực nội sinh, cùng với các ngành từ Trung ương đến địa phương tăng cường quan hệ đa phương, đa dạng, đẩy mạnh đối ngoại và hợp tác trong việc bảo tổn trùng tu. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, gìn giữ nguồn tài nguyên di sản, tránh các tác động tiêu cực ảnh hưởng từ quá trình bảo tồn và phát huy thiếu bền vững.

         

          UNESCO khi ghi danh Mỹ Sơn vào Di sản Văn hóa thế giới ngày 4/12/1999 đã khẳng định “Khu đền tháp Mỹ Sơn là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa những ảnh hưởng bên ngoài, đặc biệt là nghệ thuật và kiến trúc Ấn Độ từ tiểu lục địa Ấn Độ” (tiêu chí 2). Tiếp nối mạch nguồn giao lưu văn hóa đã có từ hàng ngàn năm trước, Đại sứ và các chuyên gia giỏi từ đất nước Ấn độ xa xôi đã đem đến Mỹ Sơn- Việt Nam không chỉ là nguồn kinh phí, kiến thức kỹ thuật mà còn cả tình cảm và tâm huyết. Ngày đêm lặng lội với nắng gió, miệt mài trùng tu và bảo tồn để các phế tích trở thành di tích bền vững, trường tồn. Ngày 19 tháng 11 năm 2018, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovin, Phu nhân và đoàn tháp tùng đã đến thăm Di sản Văn hóa Mỹ sơn. Tổng thống đã trồng cây Bồ đề lưu niệm tại Di tích và để lại bút tích: “Tôi hân hạnh được viếng thăm Mỹ Sơn - Di sản thế giới nổi tiếng đuợc UNESCO công nhận. Là trung tâm vương quốc Chăm pa, nơi lưu giữ và chứa đựng nguồn gốc tinh thần, tư tưởng và triết học Ấn giáo được du nhập từ Ấn độ. Vẽ đẹp nổi trội về kiến trúc của các ngôi đền, với kĩ thuật tinh vi và kỹ năng điêu luyện của người Chăm thể hiện sự đa dạng và giàu có về văn hóa đã in đậm trong tôi. Thật sự là một trải nghiệm không quên đối với tôi. Chúng tôi cảm thấy là một đặc ân khi được hỗ trợ Việt Nam trùng tu các đền tháp cũng như sự chia sẻ văn minh di sản của chúng ta...” Đây là một minh chứng rõ ràng nữa cho sự hợp tác của Ấn độ được biểu thị tại Di sản văn hóa Mỹ Sơn.

        Từ góc nhìn Mỹ sơn qua công cuộc bảo tồn và trùng tu di tích trong 2 năm 2017-2018 và chuyến thăm của ngài Tổng thống đã cho thấy tính hiệu quả thiết thực của hợp tác Việt Nam - Ấn Độ. Trước thềm năm mới, chúng ta mong muốn tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển, hiệu quả, thân thiện, tin cậy và ngày càng bền chặt. ❖

 

Phan Hộ - Giám Đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

18627786
Hôm nay
Hôm qua
1450
3946