Đến thăm Mỹ Sơn, giữa một quần thể kiến trúc tháp nhấp nhô cao thấp, ngoài vật liệu gạch là chủ yếu, chất liệu đá cũng chiếm số lượng đáng kể.
Những cột đá to dài, cả một đế tháp xây bằng đá ghép lại đổ sộ trơ gan cùng năm tháng. Bia đá, tượng đá để lại dấu vết khắp mọi nơi.Câu hỏi cũng đặt ra, tác phẩm điêu khắc đá nào có kích thước lớn nhất ở Mỹ Sơn? Theo tài liệu thống kê để lại cho biết, tại Mỹ Sơn có nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá có kích thước lớn như bệ thờ tháp E1 dài 3,14m, hay những tượng mi cửa kích thước lớn, nhưng để có được tác phẩm phải ghép nhiều phiến đá với nhau tạo nên. Ở đây, chúng ta đề cập đến tác phẩm điêu khắc đá được chế tác trên một phiến đá duy nhất, tạo nên tác phẩm. Vòm cửa tháp được tìm thấy trong nhóm tháp A, khu di tích Mỹ Sơn, một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là tấm phù điêu trang trí vòm cửa tháp A13 đã bị sụp đổ(?).
Hiện nay, tấm phù điêu này hiện dựng bảo quản trước kiến trúc nhà dài Mỹ Sơn D2, nhưng đã bị vỡ mất phần giữa vòm trang trí cửa được tạo dáng hình cung uốn tròn; kích thước hiện còn cao 1,66m, dày 24cm. Dựa vào tư liệu biết được khi mới phát hiện cho thấy khả năng tấm phù điêu này cao khoảng l,75m. Nội dung khắc tạc hình ảnh 3 con Sư tử. Ba con được thể hiện nhìn thẳng, đầu đội mũ giống nhau, đó là một hình lá đề, mũ lá nhọn, mắt hình thoi dựng, lồi xếch, miệng há rộng răng nhe dữ tợn. Cổ đeo vòng kiềng chảy xuống giữa ngực hình lá nhọn, trên có họa tiết trang trí, hai chân trước giơ ngang trước ngực cân xứng. Con chính giữa trong tư thế đứng, quanh bụng quấn tà vải chéo nhau (hiện đã bị gãy mất). Hai con hai bên trong tư thế ngồi xổm, hai mũi chân choãi ra hai bên. Trước bụng buông tà khố vạt uốn tròn giữa khe chân. Bức phù điêu này có kích thước lớn, được khắc tạc khối to thô, gân guốc khỏe mạnh, bố cục lấy tính đăng đối làm chủ đạo. Dựa vào các họa tiết trang trí các nhà khoa học cho rằng vòm cửa tháp được khắc tạc vào thế kỷ XII - XIII thuộc phong cách nghệ thuật Tháp Mẫm. Nhưng dựa vào những kiến trúc tháp nhóm A, nơi tìm được tấm phù điêu, cùng hình dáng tấm phù điêu có ý kiến cho rằng niên đại tấm phù điêu này thuộc vào cuối thế kỷ X. Đây có thể coi là tác phẩm điêu khắc đá có kích thước nguyên khối lớn nhất ở Mỹ Sơn nói riêng và trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa nói chung.