Một cuộc “đối thoại” thẳng thắn giữa Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn với đại diện lãnh đạo thôn Mỹ Sơn; các ngành của UBND xã Duy Phú (Duy Xuyên)… nhằm tìm giải pháp hỗ trợ, củng cố phát triển du lịch cộng đồng Mỹ Sơn diễn ra mới đây hứa hẹn mang đến “tương lai” sáng sủa hơn cho mô hình du lịch cộng đồng của làng.
|
Nhiều doanh nghiệp đã từng đến khảo sát tìm hiểu sản phẩm du lịch tại Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, tuy nhiên hiệu quả khai thác vẫn chưa như kỳ vọng.. Ảnh: V.LỘC |
Chưa như kỳ vọng
Chính thức khai trương hoạt động vào tháng 3.2013, làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên) được kỳ vọng tạo ra sinh kế, thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân. Qua gần 5 năm hoạt động dù đạt được một số kết quả trong thu hút khách và quảng bá thương hiệu điểm đến, nhưng nhìn chung hiệu quả mang lại vẫn chưa như kỳ vọng khiến mô hình này đi vào bế tắc. Có nhiều nguyên nhân để giải thích sự thất bại này như Mỹ Sơn chỉ là một ngôi làng mới lập, bản sắc văn hóa mờ nhạt; tính cố kết cộng đồng chưa cao; thiếu sản phẩm dịch vụ điển hình; công tác quản lý, điều hành yếu kém… Tuy nhiên, một nguyên nhân không kém phần quan trọng chính là quản lý hậu dự án. Kể từ cuối năm 2015 khi dự án kết thúc, các bên liên quan gồm ILO và Sở VH - TT&DL dường như chưa một lần quay lại, kể cả công ty du lịch Trà Kiệu, đơn vị cam kết đưa khách tới làng cũng đã rút lui, mặc cho các thành viên trong Ban điều hành Tổ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn tự xoay xở.
Theo ông Võ Văn Xoa – Trưởng ban điều hành du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, nguyên nhân chủ yếu là thiếu sự hỗ trợ, đầu tư từ các cấp ngành, cơ quan chuyên môn trong đầu tư hạ tầng, dịch vụ, quảng bá, truyền thông, kết nối khách… dẫn đến hiệu quả hoạt động du lịch của làng thấp. Không có khách, các tổ dịch vụ trở nên rệu rã, chán nản. Đến nay 8 tổ dịch vụ của làng đã ngưng hoạt động hoàn toàn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân thất bại vì tính đoàn kết của người dân không cao, lợi ích chia sẻ không đều, Ban Quản lý du lịch cộng đồng thụ động nên cần thiết củng cố, kể cả thành lập lại ban quản lý mới nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch cho làng.
Ông Trần Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú cho rằng, ban quản lý làng du lịch cộng đồng phải xây dựng lại đề án cải tổ, nếu không sẽ xóa tên thành lập mới. “Sắp tới xã sẽ tập trung xây dựng thôn Mỹ Sơn thành thôn kiểu mẫu, sẽ có hỗ trợ sắp xếp lại làng du lịch, đầu tư hạ tầng, môi trường vệ sinh, chỉnh trang lại vườn, chuồng, trồng cây ăn trái, chấm dứt tình trạng thả trâu bò rông, nhất là xây dựng lại quy chế hoạt động của làng du lịch…” - ông Hải khẳng định.
Chờ sản phẩm mới
Phát triển du lịch ra vùng phụ cận di sản đang là một trong những mục tiêu quan trọng mà Ban Quản lý Mỹ Sơn thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu chia sẻ lợi ích cộng đồng. Theo ông Huỳnh Tấn Lập – phó giám đốc ban quản lý, sự thất bại của mô hình làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn do năng lực tổ chức cộng đồng chưa cao, nhất là năng lực tổ chức, huy động cộng đồng tham gia các hoạt động du lịch; chưa xây dựng được sản phẩm tốt; chưa khai thác được tiềm năng du lịch tại địa phương nên thời gian tới các bên liên quan phải có những giải pháp cụ thể với sự vào cuộc hỗ trợ từ ban quản lý.
Cụ thể, Ban quản lý Mỹ Sơn sẽ chú trọng xây dựng các sản phẩm có tính hỗ trợ, liên kết với địa phương như du lịch sinh thái, làng quê, làng nghề, di tích lịch sử, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đầu tư nâng cấp hạ tầng, bao gồm hạ tầng bên ngoài Khe Thẻ xây dựng thành trung tâm dịch vụ; cải tạo bến du thuyền, đường đi, bến bãi nhằm phát triển tiềm năng đập Thạch Bàn; xúc tiến đẩy mạnh công tác liên kết với các công ty lữ hành nhằm chia sẻ nguồn khách, xây dựng các sản phẩm chung, mang tính liên hoàn; hỗ trợ thiết lập các tour tuyến mới như lưu trú tham quan di sản lúc bình minh (hay hoàng hôn); du thuyền trên hồ Thạch Bàn; tour xe đạp thăm làng quê; giao lưu văn nghệ cộng đồng. Đặc biệt, xây dựng, đào tạo đội ngũ tham gia vào phát triển du lịch… “Phải xây dựng được sản phẩm văn hóa có tính chủ lực như bài chòi về đêm; xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phục vụ đời sống và hoạt động du lịch; tạo điểm nhấn về hạ tầng xanh tại làng. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ về cơ chế, tuyên truyền, xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp du lịch đầu tư, liên kết, hợp tác khai thác, chia sẻ quyền lợi... Với những định hướng và giải pháp phát triển phù hợp, đúng đắn, cùng sự tham gia liên kết, hỗ trợ, tương tác lẫn nhau, hy vọng ước mơ về một điểm đến của Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn hấp dẫn, thu hút khách tham quan, lưu trú sẽ thành hiện thực” - ông Lập kỳ vọng.
VĨNH LỘC