“Những năm 90 của thế kỷ trước, dù được hỗ trợ về mọi mặt nhưng cuộc sống của người dân di cư đến làng Ý lập nghiệp gặp nhiều vất vả. Còn bây giờ, họ bước sang trang mới với niềm tin về một tương lai tươi sáng”, ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú (Duy Xuyên) mở đầu câu chuyện với chúng tôi bên tách trà ấm.
Đường về làng Ý hôm nay. Ảnh: HOÀI NHI
Năm 1990, được sự tài trợ của Chính phủ Italia, chính quyền huyện Duy Xuyên và xã Duy Phú tiến hành san ủi mặt bằng, xây dựng 50 ngôi nhà cấp 4 tại thôn Mỹ Sơn. Cùng với đó, UBND 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được giao nhiệm vụ xét chọn những trường hợp thuộc diện con liệt sĩ, bộ đội xuất ngũ… mới lập gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bức bí về chỗ ở để đưa đến đây sinh sống, làm ăn. Từ đó, người dân đặt tên cho nơi này là làng Ý.
Một thời gian khó
Trên con đường vào làng, những hàng xà cừ bắt đầu thay lá. Ông Đào Liễu (năm 1984 nhập ngũ tại trung đoàn pháo binh 572 đóng tại Bình Định) - một trong những người đưa vợ con đến làng Ý sớm nhất cho biết, năm 1990, vợ chồng ông được chính quyền huyện Duy Xuyên đưa đến nơi ở mới, gần tháp Mỹ Sơn. Ngày mới tới làng, ngoài việc được nhận ngôi nhà cấp 4 với diện tích sử dụng 42m2, được bố trí đất sản xuất và hỗ trợ một số dụng cụ lao động thì vợ chồng ông Liễu cùng đứa con đầu lòng còn được nhận mỗi nhân khẩu 21kg gạo/tháng, trong vòng 3 tháng. Dù vậy, cuộc sống vẫn túng quẫn. Ông Liễu nhớ lại: “Hồi đó, vợ chồng tôi chủ yếu làm nông nhưng kỹ năng canh tác còn hạn chế, trong khi nước tưới lại rất bấp bênh nên vụ mùa liên tục thất bát. Bụng đói thì đầu gối phải bò, tôi bảo vợ ở nhà giữ con và tranh thủ chăm sóc ruộng lúa, vườn sắn để có cái ăn, còn mình đi khắp nơi rà sắt bán phế liệu những mong kiếm đồng tiền mua mắm muối và dành dụm lúc ốm đau. Cựa quậy mãi với cuộc mưu sinh nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo”.
Cũng như ông Liễu, ông Nguyễn Thanh Bình từng là người lính tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia giai đoạn 1974 - 1979. Khi giã từ vũ khí, ông trở về quê nhà ở thôn Nhuận Sơn thuộc xã Duy Phú, rồi lập gia đình và xin đi làm công nhân tại Nông trường 19.5. Sau khi nông trường giải thể, đang lúc không biết đi đâu, về đâu thì vợ chồng ông được chính quyền địa phương xét cho vào sinh sống, làm ăn trong ngôi làng Ý. “Ngày ấy, khu vực này rừng cây um tùm, thú rừng thường xuyên phá hoại hoa màu nên việc sản xuất nông nghiệp không mang lại hiệu quả. Cuộc sống khổ trăm bề, tết nhứt không mua nổi bộ quần áo mới cho con” - ông Bình nói.
Trường hợp của ông Liễu hay ông Bình cũng là hoàn cảnh chung của những người đến làng Ý ngày ấy. Ông Trần Sáu - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mỹ Sơn cho biết, lúc đầu cuộc sống của hầu hết hộ dân trong làng đều gặp vô vàn khó khăn. Nhiều nhà vì con đông, mỗi bữa ăn phải độn sắn với cơm. Có 3 trường hợp rời làng về quê cũ hoặc đến nơi khác sinh sống.
Sức sống mới
Nhìn ngôi nhà khang trang trị giá gần nửa tỷ đồng, ông Đào Liễu cho hay, sau những tháng ngày nhọc nhằn tìm kế sinh nhai, năm 2003 vợ chồng ông xin vào làm việc ở cơ sở chế tác đá sa thạch Mỹ Sơn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Duy Phú. Ông Liễu bộc bạch: “Bình quân hằng tháng tôi kiếm được 6 - 7 triệu đồng. Còn vợ, đã chuyển sang buôn bán từ đồng vốn có được của nghề thợ đá. Hồi dắt díu nhau đến làng Ý, vợ chồng tôi mới có một đứa con, về đây sinh thêm hai đứa nữa và bây giờ tất cả đều trưởng thành. Tuy đã có ngôi nhà mới kiên cố nhưng gia đình tôi vẫn giữ lại căn nhà cũ kế bên, bởi đó là món quà thực sự ý nghĩa mà ngày xưa Chính phủ Italia tặng. Nó còn là kỷ niệm của những tháng năm cơ cực”.
Dứt lời, ông Liễu dẫn chúng tôi vào cơ sở sản xuất đá sa thạch Mỹ Sơn. Ông bảo, hầu hết lao động ở đây đều là người dân làng Ý. Từ khi cơ sở đó mở ra, cuộc sống của họ chuyển biến mạnh mẽ. Tạm dừng việc bốc xếp những viên đá thành phẩm đủ sắc màu, bà Lê Thị Nguyệt - một người đang sống tại làng Ý cho hay, hồi trước vợ chồng bà làm nông và lên núi đốn củi, đốt than mang xuống chợ Kiểm Lâm bán để đắp đổi qua ngày. Rồi 12 năm nay, bà xin vào làm tại cơ sở này, còn chồng đi làm công nhân ở nhà máy gạch An Hòa. Bà Nguyệt chia sẻ: “Từ khi có việc làm ổn định ngay tại làng, gia đình tôi có của ăn, của để nên xây được ngôi nhà khang trang, mừng hơn là con cái học hành đàng hoàng. Tuy nhiên, điều mà tôi và nhiều người dân trong làng mong mỏi nhất là có cơ hội được gặp lại những người bạn Ý đã hỗ trợ lập nên ngôi làng này, chỉ để nói hai tiếng cảm ơn, vậy là thỏa ước nguyện suốt 27 năm qua”.
Gần 13 năm nay, bà Lê Thị Nguyệt không còn phải lên núi đốn củi, đốt than để chạy ăn từng bữa.
Trao đổi về cuộc sống của người dân làng Ý, ông Trần Minh Hải - nói đi nói lại cụm từ “Vạn sự khởi đầu nan”. Theo ông Hải, hôm nay, cùng với nghề nông đã có thêm biết bao câu chuyện đổi đời sinh động của những công nhân ở làng. “Ngoài việc canh tác lúa, hoa màu, trồng rừng nguyên liệu thì hầu hết người dân làng Ý đều đi làm công nhân tại các cơ sở sản xuất đá, nhà máy gạch, công ty may mặc… trong và cạnh làng. Một số hộ còn mở các quầy dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch mỗi khi đến tham quan Mỹ Sơn” - ông Hải chia sẻ. Trong khi đó, ông Trần Sáu cho biết, làng Ý hiện có gần 50 hộ dân sinh sống với khoảng 200 nhân khẩu. Nếu cách đây 12 năm, cả làng có hơn 70% gia đình phải thường xuyên nhận gạo cứu trợ thì nay không có trường hợp nào thuộc diện hộ nghèo. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của làng đạt hơn 32 triệu đồng, tăng 27 triệu đồng so với năm 2005. Mừng hơn, thời gian qua làng có 25 em đỗ đại học và cao đẳng, trong đó một số đã ra trường tìm được việc làm ổn định.
Rời làng Ý khi ánh chiều dần tắt, những gian bếp đã bắt đầu đỏ lửa để chuẩn bị cho bữa cơm tối ấm cúng, đầy ắp tiếng nói cười. Xuân mới, người dân của làng lại đặt biết bao kỳ vọng về ngày mai…
Ghi chép HOÀI NHI