Cuối tháng 7/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì kiểm tra thực tế và làm việc với UBND huyện Duy Xuyên về công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới và công tác quản lý, trùng tu di tích trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân kết luận: Thời gian qua, UBND huyện Duy Xuyên đã tập trung chỉ đạo, phối hợp chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức các hoạt động kỷ niệm; xây dựng kế hoạch và phân công trách nhiệm cho từng phòng, ban, địa phương liên quan chuẩn bị phục vụ Lễ kỷ niệm; đảm bảo mặt bằng (sân khấu, khán đài, khu vực đậu đỗ xe); xây dựng maket và phương án tuyên truyền trực quan một số trục đường, khu dân cư, cửa ngõ vào Khu Đền tháp Mỹ Sơn; vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cơ bản đảm bảo tiến độ đã đề ra, UBND tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị của huyện Duy Xuyên.
Duy Xuyên là nơi có nhiều hoạt động kỷ niệm diễn ra trên địa bàn (Lễ kỷ niệm, Triển lãm Mỹ thuật Di sản Văn hóa và 5 hoạt động hưởng ứng của địa phương); đặc biệt, Lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới được tổ chức với quy mô quốc gia, dự kiến trên 3.000 khán giả; tham dự có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, khách quốc tế, là nội dung chính của chuỗi các hoạt động kỷ niệm, được truyền hình trực tiếp trên VTV1, khối lượng công việc rất lớn; do vậy, huyện Duy Xuyên xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể từng nội dung công việc; phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện đảm bảo tất cả các hoạt động đều được tổ chức chu đáo, chất lượng, hiệu quả.
Mặc dù công việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20 năm ngày Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới được chuẩn bị chu đáo theo lịch trình kế hoạch đã vạch, nhưng huyện Duy Xuyên vẫn tiếp tục rà soát, kiểm tra các địa điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm, chú trọng địa điểm đậu đỗ xe, lắp đặt các bảng hướng dẫn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các khu, điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Cùng lúc, Duy Xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức về các hoạt động kỷ niệm diễn ra trên địa bàn huyện, tập trung cao điểm trong dịp Kỷ niệm 74 năm ngày Cách mạng tháng tám và Quốc khách 2/9. Cacsnganhf, các cấp, các địaa phương tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vỉa hè, lòng đường, đảm bảo thông thoáng, vệ sinh sạch đẹp; phát động phong trào dọn vệ sinh trên toàn huyện; nhất là tại xã Duy Phú, nơi diễn ra Lễ kỷ niệm và nơi tổ chức các hoạt động hưởng ứng của địa phương. Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng lúc, Duy Xuyên cần thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo cảnh quan môi trường tại Khu Đền tháp Mỹ Sơn, nhất là công tác phòng cháy, chữa cháy.
Song cùng với việc chuẩn bị chu đáo tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới, huyện Duy Xuyên còn quan tâm công tác trùng tu, tôn tạo các di tích. Cụ thể, di tích Khu căn cứ Hòn Tàu (Đặc khu ủy Quảng Đà), huyện đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương lập thủ tục bàn giao di tích này cho UBND huyện Duy Xuyên tiếp nhận, quản lý, khai thác, phát huy giá trị theo đúng quy định. UBND huyện Duy xuyên chú trọng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Triển khai lập hồ sơ thủ tục đầu tư tu bổ/dựng bia các di tích.
UBND huyện Duy Xuyên chuẩn bị thật tốt báo cáo đánh giá 20 năm bảo tồn, phát huy giá trị di tích Mỹ Sơn. Đối với khu lăng mộ Đoàn Quý Phi, di tích lịch sử cấp Quốc gia (Chánh phu nhân của chúa Nguyễn Phúc Lan, mẹ của chúa Nguyễn Phúc Tần; là vị Quốc mẫu nổi tiếng nhân hậu xứ Đàng Trong giúp dân phát triển nghề ươm tơ, dệt lụa, còn gọi là Bà chúa Tàm Tang), hiện khu lăng mộ chỉ có bức tường bao quanh, hoang tàn, hiu quạnh, không có đường dẫn vào khu lăng mộ, không đường nội bộ, cây xanh nên việc quy hoạch tổng thể mặt bằng và báo cáo đề xuất đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu lăng mộ này nhằm bảo tồn, phát huy giá trị 4 khu di tích, gắn với phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm và phát triển du lịch là hết sức cần thiết. Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên và thể theo nguyện vọng của Nhân dân, cử tri trên địa bàn, ý kiến của các Sở, Ban, ngành tại cuộc họp; UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư Khu lăng mộ Đoàn Quý Phi.
Hoàng Thơ