Khí hậu ngày càng khắc nghiệt đang là thách thức lớn cho việc gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn những giá trị vật chất của di sản tại Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên). Một cách làm hiệu quả nhằm hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu, đó là gìn giữ tổng thể hệ sinh thái rừng nơi đây.
Trong 5 năm qua, BQL Mỹ Sơn triển khai trồng mới hơn 10ha rừng. Ảnh: PHAN VINH
Ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (BQL Mỹ Sơn) cho biết, ngay từ khi đơn vị được thành lập, một trong những công tác được quan tâm nhất để gìn giữ và bảo tồn các khu đền tháp ở Mỹ Sơn là gìn giữ hệ sinh thái xung quanh, đặc biệt là rừng. Bởi vì khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong vùng lõi của hệ sinh thái rừng, có suối, có động thực vật phong phú. Chính vì vậy, nếu xâm phạm, phá hủy hệ sinh thái rừng này thì việc các khu đền tháp chịu ảnh hưởng bởi những tác động của biến đổi khí hậu là rất lớn.
“Tổng diện tích rừng trồng mới trong khoảng 5 năm qua được chúng tôi thống kê trong cả cảnh quan ở bãi xe, khu vực đường dẫn vào đền tháp và một vài vùng trong núi ước tính khoảng hơn 10ha. Tất cả diện tích này vẫn đang phát triển tốt. Lực lượng an ninh và bảo vệ rừng ở Mỹ Sơn có đến hơn 30 người; trong đó, 10 người thường xuyên tổ chức đi tuần tra, kiểm sát bảo vệ rừng trong lâm phận mà mình quản lý. Ngoài ra, chúng tôi còn dựng một chòi canh ở khu vực có vị trí bao quát được hệ sinh thái rừng Mỹ Sơn. Chòi canh này thường xuyên có người túc trực 24/24 để kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường, đặt biệt là tình trạng cháy rừng” - ông Khiết nói.
Đề án xác lập khu rừng bảo vệ cảnh quan tại Mỹ Sơn được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng hệ sinh thái rừng hiệu quả hơn. Ảnh: PHAN VINH Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, BQL Mỹ Sơn được giao quản lý, bảo vệ và chăm sóc 1.081ha rừng trong khu vực lâm phận. Năm 2018, BQL Mỹ Sơn phối hợp với Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ (thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng) thành lập đề án xác lập khu rừng bảo vệ cảnh quan tại Di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn. Theo đó, các đơn vị đã tiến hành điều tra khảo sát trên địa bàn xã Duy Phú, diện tích 1.092,14ha (phục vụ xác lập khu rừng bảo vệ cảnh quan Mỹ Sơn) và các xã lân cận phục vụ xác lập vùng đệm cho khu rừng bảo vệ cảnh quan Mỹ Sơn.
Ông Phan Hộ - Giám đốc BQL Mỹ Sơn cho biết, đề án trên là một công trình thuộc hệ thống rừng đặc dụng của Quảng Nam nhằm xác lập ranh giới khu rừng bảo vệ cảnh quan và đáp ứng được thực tiễn quản lý, bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng gắn với bảo tồn các giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn; đồng thời còn xác lập khu rừng bảo vệ cảnh quan tại Mỹ Sơn. Sau khi hoàn thiện và được phê duyệt sẽ là tài liệu đặc biệt quan trọng trong hệ thống rừng đặc dụng của Quảng Nam. Đây cũng là cơ sở để giao rừng gắn với giao đất theo Thông tư số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29.1.2011 về hướng dẫn một số nội dung về giao rừng,thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp.
“Và ý nghĩa quan trọng nhất của việc nâng cao công tác quản lý, chăm sóc và bảo vệ hệ sinh thái rừng thuộc lâm phận của Mỹ Sơn là ứng phó với diễn biến khí hậu khắc nghiệt trong những năm gần đây, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể di tích. Chính vì vậy, việc bảo vệ hệ sinh thái rừng cũng là gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn những giá trị vật chất hiện hữu tại Mỹ Sơn. Ngoài ra, công tác này còn góp phần tạo cảnh quan và không khí tươi mát cho du khách khi đến tham quan khu đền tháp” - ông Hộ cho biết thêm.
PHAN VINH