A+ A A-

Mỹ Sơn - Hình mẫu trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản

        Khu đền tháp Mỹ Sơn đã trở thành hình mẫu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây là khẳng định của các đại biểu, khách mời tại chương trình kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn trở thành Di sản văn hóa thế giới (1999 - 2024), diễn ra sáng ngày 3/12.

        

Chương trình kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn trở thành Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: V.L

       Ngày 4/12/1999, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa của nhân loại. Với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, sự hỗ trợ về tài chính, nhân lực và công nghệ từ chính quyền địa phương, các tổ chức, chính phủ trong nước, quốc tế đã góp phần tích cực chung tay gìn giữ và bảo tồn di sản Mỹ Sơn bền vững.

       Suốt 25 năm qua, nhiều chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển được vạch ra; các nghiên cứu khoa học, trùng tu, khảo cổ được tiến hành đồng bộ dựa trên các chương trình hợp tác quốc tế đã mang tới những kết quả hết sức quan trọng, nhất là trong việc bảo tồn, trùng tu di tích, trở thành hình mẫu trùng tu kiến trúc Chăm trong cả nước.

      Cạnh đó, một số giá trị văn hóa truyền thống dân gian Chăm cũng được phục hồi, gìn giữ, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa phi vật thể địa phương đến với du khách. Đặc biệt, 1.158ha rừng tự nhiên, hệ động thực vật đã được tái tạo phục hồi, giữ gìn hiệu quả, giúp không gian văn hóa Khu di sản Mỹ Sơn trở nên xanh hơn, đẹp hơn.

      

Hiệu quả từ công tác bảo tồn đã giúp nhiều di tích đền tháp Mỹ Sơn được hồi sinh vững chắc. Ảnh: V.L

       Theo ông Nguyễn Công Khiết - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, từ những ngày đầu Mỹ Sơn khoác lên mình danh hiệu Di sản văn hóa thế giới, đơn vị đã xác định công tác bảo tồn phải đặt lên hàng đầu. Bảo tồn nhưng không mâu thuẫn với phát huy, bảo tồn hiệu quả và phát huy tích cực để di tích được giữ gìn nguyên gốc, đảm bảo tính xác thực nhất trên cơ sở các nguyên tắc bảo tồn theo Công ước, Hiến chương Liên hiệp quốc và Luật Di sản văn hóa Việt Nam.

     Thông qua các nguồn lực hỗ trợ, hạ tầng cơ sở khu di sản được đầu tư; thương hiệu Mỹ Sơn ngày càng lan tỏa, khách tham quan không ngừng tăng cao, mức tăng trưởng trung bình hơn 10%/năm.

      “Từ một vùng đất hoang vắng, một di tích bị bỏ quên trong suốt thời gian dài đổ nát do bom đạn chiến tranh tàn phá, sau 25 năm Mỹ Sơn đã bừng tỉnh, trở thành điểm sáng của công tác trùng tu, tôn tạo và thu hút khách du lịch. Giá trị Mỹ Sơn ngày một quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội huyện Duy Xuyên, là niềm tự hào của nhân dân” - ông Khiết khẳng định.

       

Du khách tham quan Mỹ Sơn tăng trưởng trung bình hơn 10%/năm. Ảnh: V.L

    Tham dự chương trình kỷ niệm, ông Steven Wolstenholme - Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Hoiana chia sẻ, những thành tựu, kết quả Khu đền tháp Mỹ Sơn đạt được sau 25 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới rất xứng đáng, tự hào. Ông cho rằng, thương hiệu du lịch Quảng Nam ngày càng nổi tiếng hơn cả trong nước và thế giới, yếu tố quan trọng làm lên thương hiệu đó là văn hóa, và Mỹ Sơn là một yếu tố không thể tách rời.

      Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, để phát triển mạnh mẽ hơn, thời gian tới Mỹ Sơn phải có hành động, lộ trình cụ thể. Trong đó, cần liên kết, hợp tác với các di sản văn hóa thế giới trong nước và doanh nghiệp du lịch nhằm thúc đẩy phát huy hiệu quả giá trị di sản, bởi Mỹ Sơn có đầy đủ lợi thế và cơ hội để hiện thực mục tiêu này. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân xung quanh di sản được hưởng lợi nhiều hơn nữa.

     “UBND tỉnh cam kết đồng hành với Mỹ Sơn, làm cho Mỹ Sơn rực rỡ hơn, không những đón nhiều khách mà còn phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên vùng đất Duy Xuyên” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

     

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho cá nhân và tập thể Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn. Ảnh: V.L

     Nhân sự kiện tiếp xúc cử tri tại huyện Duy Xuyên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã dành thời gian đến dự và phát biểu tại chương trình kỷ niệm. Theo đồng chí Nguyễn Đức Hải, sau 25 năm được UNESCO vinh danh, Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được nhiều du khách, nhà nghiên cứu văn hóa, các tổ chức quốc tế quan tâm. Hội An, Mỹ Sơn đã tạo nên hai sắc màu cho di sản thế giới, thu hút khách du lịch đến vùng đất Quảng Nam.

      “Nếu Hội An là đô thị cổ, đô thị sống với các sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư mang đến ấn tượng trong lòng du khách, thì Khu đền tháp Mỹ Sơn lại chứa đựng những giá trị đặc sắc, đặc biệt trong tiến trình lịch sử gợi cho khách sự thán phục, niềm trăn trở.

     Đây cũng là điều mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam, huyện Duy Xuyên, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, bạn bè, chuyên gia quốc tế, những người làm văn hóa trăn trở, phải làm sao nâng niu, giữ gìn và phát huy giá trị di sản này ngày một tốt hơn” - đồng chí Nguyễn Đức Hải nói.

Vĩnh Lộc

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19933055
Hôm nay
Hôm qua
6832
11308