A+ A A-

Chiêm ngưỡng 6 bảo vật quốc gia từ Thánh địa Mỹ Sơn

      Cho đến nay đã có 6 bảo vật quốc gia được công nhận có nguồn gốc từ khu đền tháp Mỹ Sơn. Các bảo vật đều mang những giá trị rất tiêu biểu và độc đáo về lịch sử, nghệ thuật điêu khắc giai đoạn sớm của Champa và tính biểu tượng trong giáo phái Shiva được thờ tại Mỹ Sơn. Có 3 bảo vật đều có nguồn gốc từ đền E1 gồm Mukhalinga, phù điêu Đản sinh Brahma và Đài thờ Mỹ Sơn E1. Một bảo vật đài thờ Mỹ Sơn A10, một tượng tròn Shiva ở đền C1 và Ganesha đứng ở đền E5.

      1. Mukhalinga

       Thuộc ngôi đền cổ E1 có niên đại sớm vào thế kỷ 7-8 SCN, từ cách thức tạo hình của một linga 3 phần với khuôn mặt nhô hẵn ra từ phần tròn, mukhalinga phát hiện sau đền E1 là chiếc mukhalinga đá đầu tiên được phát hiện ở Champa. Mang giá trị văn hoá nghệ thuật và tính biểu tượng rất tiêu biểu và độc đáo không chỉ ở Champa mà còn cả khu vực Đông Nam Á thời cổ.

       Mukhalinga này được phát hiện sau đền E1 vào mùa đông năm 2012 sau trận mưa lớn. Được khai quật và mang về trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Sơn. Đây có thể là tượng thờ đã từng thuộc đài thờ Mỹ Sơn E1 của đền chính E1. Tượng thờ Mukhalinga này có thể được thay thế bằng một mukhalinga được phát hiện trong đền E1 từ đầu thế kỷ 19 - hiện đang trưng bày trước đền E1. Việc thay thế tượng thờ hay một số thành phần kiến trúc và sau đó đặt sau đền cũng thấy ở nhóm F, nhóm A. So sánh về kích thước và kiểu dáng, bảo vật mukhalinga này tương đồng với mukhalinga trong đền E1.             

 

       2. Phù điêu Đản sinh Brahma

      Đây là tác phẩm duy nhất tìm thấy tại đền E1, Mỹ Sơn thể hiện thần Vishnu nằm trên rắn thần, thiền định bồng bềnh trên biển vũ trụ, từ rốn của Thần Vishnu mọc lên đóa hoa sen và thần Brahma tọa lạc bên trên, bắt đầu công việc sáng thế. Phù điêu sắc nét, tinh tế, hài hoà, đầy đủ tính biểu trưng, có tính nghệ thuật cao vừa có chủ đề về sự ra đời của vị thần chính yếu của Ấn Độ giáo - Thần Brahma, cũng là sự khởi đầu của vũ trụ theo thần thoại Ấn Độ. Là một minh chứng quan trọng về sự du nhập sớm của Ấn Độ giáo vào Vương quốc Champa nói chung và Văn hóa Champa nói riêng ở thế kỷ VII - VIII. Điêu khắc còn mang chủ đề và các yếu tố nghệ thuật Dvaravati của Thái Lan và Tiền Angkor của Campuchia, Trung Hoa. Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 này là cứ liệu cho thấy sự tiếp xúc rất sớm và mạnh mẽ giữa Văn hóa Ấn Độ và Văn hóa Champa, cũng như giữa Champa và các chính thể Đông Nam Á cổ đại.

       Hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là bức chạm khắc trang trí trên vòm cửa của tháp E1 Mỹ Sơn, được Henri Parmentier và các cộng sự tìm thấy tại tháp E1 Mỹ Sơn trong đợt khai quật năm 1903 - 1904, và đưa về bảo tàng từ năm 1935.

              

Phù điêu Đản sinh Brahma       

         3. Đài thờ Mỹ Sơn E1

       Đài thờ Mỹ Sơn E1, thế kỷ 7-8, là phần đế của một đài thờ duy nhất ở Champa có chạm khắc khung cảnh núi rừng, hang động, nơi các tu sĩ bà-la-môn ẩn dật, tu tập và hành đạo. Phần trước đài thờ trang trí các mô típ kiến trúc, vòm cửa, nhạc công, vũ công và những chi tiết ảnh hưởng nghệ thuật từ các nền văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ.

      Đài thờ này còn lưu giữ những yếu tố kiến trúc sớm nhất của Champa, minh chứng chứng cho việc chuyển tiếp trong kỹ thuật xây dựng từ những kiến trúc gỗ cho đến kiến trúc gạch và sự kết hợp của các vật liệu trong một kiến trúc.

        Bảo vật được tìm thấy trong đền Mỹ Sơn E1 trong cuộc khai quật từ tháng 3 năm 1903 đến tháng 2 năm 1904. Hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

       Đài thờ Mỹ Sơn E1       

        4. Tượng Ganesha E5

       Bảo vật Ganesha đứng này là hiện vật được phát hiện tại đền E5, một ngôi đền phụ nằm ở góc Tây Nam của đền chính E1. Đây là một trong những tượng tròn hiếm hoi thể hiện vị thần ở dạng thức đứng, còn tương đối nguyên vẹn, có kích thước lớn, và mang nhiều đặc điểm độc đáo về phong cách trong giai đoạn sớm - khoảng thế kỷ VII - VIII, của nền nghệ thuật điêu khắc cổ này.

       Thần Ganesh với đầu voi và thân hình người to béo, được biết đến là vị thần loại bỏ chướng ngại vật và là vị thần của trí tuệ và sự khởi đầu mới. Trong thần thoại Hindu, Thần Ganesh được cho là mang lại may mắn, thịnh vượng và thành công cho các tín đồ của mình.

       Bảo vật quốc gia tượng Ganesha có chất liệu sa thạch với kích thước cao 95cm, dài 48cm, rộng 34cm, được phát hiện vào năm 1903 bởi Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) khi khảo cổ tại đền - tháp E5 thuộc nhóm E tại thánh địa Mỹ Sơn. Sau đó, tượng được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại bảo tàng từ năm 1918. Chủ đề về thần Ganesha không thể hiện nhiều trong các tác phẩm điêu khắc Champa, còn được lưu giữ đến ngày nay.

                

Tượng Ganesha E5         

         5.Tượng Shiva

       Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Tượng Shiva Mỹ Sơn C1 là hiện vật gốc, độc bản, được thể hiện ở dạng tượng tròn, dáng đứng, có kích thước cao lớn bằng người thật và duy nhất được khai quật tại tháp C1 Mỹ Sơn từ năm 1903 và đưa về bảo tàng năm 1918.

       Tượng Shiva Mỹ Sơn C1 có hình thức thể hiện độc đáo của vị thần Shiva trong tư thế đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước, được thờ trong tháp chính C1 ở thánh địa Mỹ Sơn, dưới dạng Nhân Thần. Tư thế này của tượng Shiva không xuất hiện nhiều tại Mỹ Sơn, ngoại trừ một pho tượng nhỏ hơn tìm thấy tại tháp A’4 Mỹ Sơn. Một nét đặc trưng trong việc thực hành tôn giáo ở Mỹ Sơn là sự đồng nhất thờ Thần Shiva và vua Chăm, còn gọi là tập tục thờ Thần - vua (devaraja). Trong một số văn bia, tên của vua Chăm được ghép với tên Thần Shiva thành một danh xưng tôn kính. Đây cũng là tác phẩm thể hiện Shiva ở dạng tượng tròn còn nguyên vẹn nhất được tìm thấy cho đến ngày nay, những bức tượng khác hầu như đã bị mất phần đầu. Tượng Shiva Mỹ Sơn C1 với bố cục, nội dung, đề tài thể hiện tương đối hoàn chỉnh giúp chúng ta phác họa được chân dung to lớn, uy nghiêm, điềm tĩnh của một vị vua đã được thần hóa và thờ cúng trong không gian linh thiêng của ngôi đền C1 Mỹ Sơn.

        Các chi tiết điêu khắc trang trí trên bức tượng này được xem là tinh tế và độc đáo, mang tính bản địa rõ rệt, là một tác phẩm đẹp thể hiện Shiva ở dạng tượng tròn còn được lưu giữ đến ngày nay. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc Champa trong và ngoài nước thống nhất xếp hiện vật này vào giai đoạn muộn của phong cách Mỹ Sơn E1, niên đại vào khoảng thể kỷ VIII.

            

Tượng Shiva          

           6.Bảo vật quốc gia Đài thờ Mỹ Sơn A10

       Đài thờ Mỹ Sơn A10 là bộ đài thờ gốc, độc bản, được sắp xếp và tái định vị ở vị trí ban đầu vốn có trong đền A10. Bộ đài thờ này còn khá nguyên vẹn, có hình khối vuông, giật cấp, đối xứng, hoa văn trang trí đặc trưng tương tự với kiến trúc của nó, mang phong cách Đồng Dương thế kỷ 9-10. Không bắt gặp một đài thờ nào khác cùng nền văn hoá Chămpa. Tượng thờ Linga-Yoni liền khối lớn nhất trong điêu khắc Chămpa cho đến nay. Và là hiện vật tiêu biểu cho loại hình tượng thờ Linga-Yoni liền khối trong điêu khắc Chămpa. Linga chỉ có một phần tròn gắn liền với Yoni cùng một khối đá, có kính thước lớn nhất trong các loại hình tượng thờ Linga chỉ có một phần và liền khối với Yoni. Đài thờ Mỹ Sơn A10 là hiện vật mang tính sáng tạo và biểu tượng cao trong hình dạng và kỹ thuật. Và là đài thờ tiêu biểu và duy nhất cho một giai đoạn thờ Shiva giáo thế kỷ 9-10 dưới vương triều Indrapara (875-915) của Vương quốc Chăm Pa còn lại cho đến nay.  

       Đây là đài thờ nguyên vẹn hiếm hoi còn nguyên vị trong không gian thờ tự Shiva giáo qua biểu tượng linga-yoni. Trong khi đó các kiến trúc và đài thờ cùng thời như phế tích khảo cổ Phật viện Đồng Dương chỉ còn lại một mảng tường cổng. Đài thờ này và kiến trúc của nó đền A10 là minh chứng quan trọng trong quá trình phát triển kiến trúc và điêu khắc tại Khu đền tháp Mỹ Sơn - một trong những tổ hợp kiến trúc quan trọng bậc nhất của vương quốc Chămpa. Trải qua bao biến cố lịch sử, đài thờ này và kiến trúc của nó trở thành ngôi đền chính thờ Shiva giáo tiêu biểu và duy nhất của giai đoạn thể kỷ 9-10 dưới vương triều Indrapura (875-915) còn lại cho đến nay. Mặc dù dưới vương triều Indrapara, Phật giáo phát triển nhưng Hindu giáo vẫn được thực hành mà minh chứng tiêu biểu nhất và mang tính biểu tượng cao nhất của Shiva giáo trong giai doạn này chính là Đài thờ Mỹ Sơn A10 và kiến trúc của nó.

       

 

        Có 6 bảo vật quốc gia có nguồn gốc từ Khu đền tháp Mỹ Sơn, tuy nhiên chỉ còn 1 bảo vật còn nguyên vị trong đền Mỹ Sơn A10, 1 hiện vật trưng bày tại bảo tàng Mỹ Sơn. 4 hiện vật còn lại đang trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Các bảo vật này đều mang những giá trị rất tiêu biểu về lịch sử, nghệ thuật và tính biểu tượng cao đối với giáo phái Shiva từng thịnh hành trong giai đoạn sớm ở Mỹ Sơn. 

Nguyễn Gia An

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

20922085
Hôm nay
Hôm qua
2428
8680