Khẩu thần công hiếm hoi của Nghĩa hội Quảng Nam bị bán cho tiệm buôn phế liệu, trống đồng có niên đại từ đầu Công nguyên suýt trở thành mâm dọn cơm, hay bức tượng Chăm Shiva khất thực sau nhiều năm bị bom phá hỏng cũng gần trở lại hình hài cũ... Chỉ nhờ chút duyên may kỳ lạ, những cổ vật quý giá ấy mới có thể 'châu về hợp phố'.
Pho tượng có gương mặt nhà tu khổ hạnh tay cầm bát còn nguyên vẹn ở Mỹ Sơn đã được H.Parmentier và nhóm công tác Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) ghi nhận thông tin đầy đủ từ đầu thế kỷ 20 với tên gọi Shiva khất thực. Bẵng đi mấy chục năm gián đoạn do chiến tranh, đến khi kiến trúc sư Kazik vào cuộc thực hiện dự án hợp tác trùng tu song phương Việt Nam - Ba Lan thì manh mối bức tượng lại xuất hiện. Tại tháp A4 Mỹ Sơn, Kazik tìm thấy pho tượng đứng rất đẹp nhưng mất đầu và hai tay do bị trúng bom, kể cả đôi chân cũng chỉ còn ống thấp ống cao, bèn mang về trưng bày tại tháp D1. Tất nhiên, ông không hề biết đó là Shiva khất thực. Chuyện xảy ra vào khoảng năm 1990.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm quản lý di tích - danh thắng Quảng Nam) có nhiều năm làm việc bên cạnh Kazik, nhưng duyên may tìm được đôi chân cho Shiva khất thực xảy đến chừng 10 năm sau đó khi anh cùng các chuyên gia Ý triển khai dự án tu bổ mới ở Mỹ Sơn. “Dọn dẹp tại tháp A4, tôi phát hiện một chân tượng gắn với đế rất lạ. Chính tôi cùng đồng sự đã khiêng phần chân này về đặt tạm ở tháp D1”, ông Hỷ kể. Sau thời gian tra cứu tư liệu của người Pháp, họa sĩ Hỷ nghi ngờ đây chính là phần chân của tượng Shiva khất thực. Ráp nối với các phần tượng mà Kazik tìm thấy trước đó, thì trùng khít.
Hồi sinh tượng quý
Dưới bàn tay phục chế gắn nối của các chuyên gia bảo tàng Pháp, Shiva khất thực đã xuất ngoại hồi cuối năm 2005 và được đón nhận tại Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp) như một sứ giả văn hóa cùng với hơn 110 hiện vật khác. Các hiện vật Chăm này mượn từ Đà Nẵng, Mỹ Sơn, TP.HCM để dự triển lãm Kho báu nghệ thuật Việt Nam: điêu khắc Chăm thế kỷ thứ 5 - 13, một phần nội dung trong ký kết hợp tác văn hóa Việt Nam - Pháp. “Sau chuyến trưng bày tại Bảo tàng Guimet, tôi theo dõi thấy lượng du khách Pháp đến Mỹ Sơn đông hơn”, anh Lê Minh (Tổ trưởng tổ bảo tồn Mỹ Sơn, người trực tiếp đưa tượng sang Paris) tâm sự.
Dù đến bây giờ phần đầu và tay vẫn thất lạc, nhưng với đôi chân tìm thấy đã giúp “hồi sinh” một pho tượng quý hiếm. “Lúc làm việc với các chuyên gia Ý, họ thắc mắc hoài về bức tượng được Kazik lưu giữ tại tháp D1. Không ai biết đó là tượng gì, gần như là phế phẩm. Cho đến khi phần chân được tìm thấy thì mọi hình dung về Shiva khất thực mới lộ rõ”, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ kể. Viết trên tạp chí tiếng Pháp Études Cham studies, tác giả Marie-Christine Duflos cũng nhắc lại thông tin bức tượng Shiva khất thực này từng được kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ học người Pháp H.Parmentier công bố (vào năm 1909) và J.Boisselier (năm 1963). Đối chiếu với hiện trạng pho tượng đang trưng bày ở góc bắc tháp D1 Mỹ Sơn bây giờ, rõ ràng đã xảy ra một sự hủy hoại lớn khi thân tượng người đàn ông bị cháy sém các mắt cá, vai và đầu đã bị mất, như Marie-Christine Duflos mô tả.
Tuy nhiên, Marie-Christine Duflos vẫn giữ niềm tin rằng, nếu như phần đầu và các chi tiết khác không bị đánh cắp, “thì chúng ta có thể hy vọng rằng Shiva của Mỹ Sơn tại tháp A4 sẽ được tìm thấy trong một tương lai gần”.
Báu vật quốc gia bị “sứt mẻ”
Nữ thánh Tara, pho tượng đồng tìm thấy tại Phật viện Đồng Dương (H.Thăng Bình, Quảng Nam) được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012 và đang trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cũng có lai lịch kỳ lạ. Năm 1978, người dân địa phương ngẫu nhiên tìm thấy bức tượng ở độ sâu hơn 3 m. Trước khi chuyển pho tượng về bảo tàng (năm 1981), một vị lãnh đạo xã đã... lén bẻ chi tiết hình quả cau trên tay pho tượng và giữ kỹ như “tài sản chung” qua ít nhất 5 đời chủ tịch xã. Kể từ đó, đã hơn 30 năm mà bảo vật quốc gia vẫn chưa thể ráp nối hoàn thiện.
Theo Báo Thanh Niên