A+ A A-

Phong cách Hồ Chí Minh

       Phong cách Hồ Chí Minh vừa có tính phổ biến ở mọi người, vừa có tính đặc trưng riêng có của Hồ Chí Minh. Phong cách Hồ Chí Minh là một di sản để mọi người có thể học tập và làm theo, dù là người lao động bình thường, nhà khoa học hay là chính khách. Với phương châm: “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Hồ Chí Minh đã có thể sống, làm việc và chiến đấu trong mọi hoàn cảnh hòa nhập được với mọi tầng lớp vì mục đích cao cả giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột.

         Kết quả hình ảnh cho ảnh bác hồ viết báo

       Để làm được điều đó, thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình, Người đã luôn rèn luyện để có một phong cách sống phù hợp mang tính phổ biến nhưng lại rất hiện đại. Phong cách sống của Người là một tài sản vô giá cần được tìm hiểu, được đúc kết để noi theo một cách thiết thực nhất.

       Phong cách học tập. Bao trùm lên phong cách học tập của Hồ Chí Minh là tự học. Trong lý lịch tự khai khi vào Đảng Cộng sản Pháp, Người ghi: “Văn hóa, học hết lớp tiểu học”. Năm 1959, làm việc với thầy giáo và sinh viên trường Đại học Pat-gia-gia-ran (Inđônêxia) Người nói: “Tôi không có điều kiện để học tập khi còn trẻ nhưng đã tự học tập được trong xã hội, trong cuộc sống để biết yêu nhân dân”. Mục đích học tập của Người là học để sống, để làm cách mạng. Với hai bàn tay không khi lên tàu Đô đốc Tơvêrin xuất dương sang Pháp, Người đã học làm nghề phụ bếp, đốt lò, làm phụ lao công dưới tàu. Khi sang Pháp, Người đã học nghề quyét tuyết, thợ sơn, chụp ảnh, học ngoại ngữ để làm phiên dịch, học viết báo để làm báo...Trong suốt thời gian sống và lao động, hoạt động ở nước ngoài, Người chỉ có tự học mà làm nên. Ở đâu, làm gì cũng tranh thủ học. Người tự học một cách kiên trì, bền bỉ, thường xuyên. Bằng sự miệt mài, say sưa tự học Người đã thu lượm được hệ thống tri thức đồ sộ của nhân loại từ những sinh hoạt bình thường của người dân lao động đến những tinh hoa của nền văn minh thời đại, đồng thời có sự nhạy cảm sắc sảo để vận dụng sáng tạo hệ thống trí thức đó vào con đường cách mạng mà mình đang tìm kiếm phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Có thể nói, tự học là một phong cách rất đặc trưng Hồ Chí Minh, tự học là yếu tố quyết định tạo nên nhân cách và trí tuệ uyên thâm của nhà văn hóa, của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhà nghiên cứu văn hóa Va-xi-li-ep của Nga đánh giá: “Hiếm có một chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh cuộc đời”.

      Từ kinh nghiệm thực tế của mình, Hồ Chí Minh khuyên mọi người phải tự học. Trong tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “Lấy tự học làm cốt”, rồi đặt ra câu hỏi: “Học ở đâu, học với ai”, rồi trả lời: “Học trong xã hội, học mỗi công tác thực tế, học ở quần chúng”. Đó là con đường tự học, phải có ý thức tìm ra nơi để học, tìm ra đối tượng để học, nhận ra được điều mình cần phải học. Cần nhận thức được rằng, những kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường để đạt được chứng chỉ này, chứng chỉ nọ, cũng mới chỉ là những kiến thức nền tảng về mặt lý thuyết, còn khi ra trường làm việc phải nghiên cứu không những trong sách vở mà còn nghiên cứu ngay trong thực tiễn công tác của mình, phải vừa làm, vừa học. Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài việc học ở trường thì việc học trong thực tiễn, học từ công việc, học từ nhân dân, học đi đôi với hành, tự học là rất quan trọng, bởi: “Trí thức học trong trường chưa phải là trí thức hoàn toàn. Muốn thành một người trí thức hoàn toàn thì phải tự học tiếp để đem được trí thức đó áp dụng vào thực tiễn”.

       Phong cách ứng xử. Điều nổi bật trong phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh là ứng xử văn hóa. Ứng xử văn hóa trước tiên phải biết mình là ai, mình đang làm gì, biết rõ bổn phận của mình để ứng xử cho phù hợp. Khi còn là Anh Ba làm phụ bếp, Anh luôn tận tụy với công việc, từ nấu ăn, quyét dọn, lau chùi, đến sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng...giữ đúng phhong cách của người phục vụ. Khi sang Pháp hoạt động chính trị, Nguyễn Ái Quốc thấy được vai trò của báo chí nên đã say sưa với việc tìm kiếm thông tin, học hỏi cách viết báo, nghề làm báo. Một mình Nguyễn Ái Quốc vừa viết báo, vừa làm quản trị, làm chủ bút, vừa đi bán báo. Nhờ thế, Người mới có phong cách già dặn của một phóng viên, một nhà báo. Khi cần đấu tranh để bảo vệ chính kiến của mình, Người lý giải có lý có tình nhưng rất mực kiên quyết. Ở Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp, Người tuyên bố gia nhập Đảng, bởi “Đảng ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tôi”, khi có những bất đồng trong quan điểm với quốc tế cộng sản về vấn đề quan hệ giữa giai cấp - dân tộc, Nguyễn Ái Quốc một mặt vẫn giữ nguyên chính kiến, mặt khác vẫn chấp hành mọi sự phân công của tổ chức, giữ vững ý thức kỷ luật, trung thành với Quốc tế Cộng sản. Bằng phong cách ứng xử văn hóa, Nguyễn Ái Quốc đã đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, quy tụ được mọi lực lượng cách mạng trong nước để thành lập được Đảng cộng sản Việt Nam. Khi đã là Chủ tịch nước đứng trước quốc dân đồng bào đọc Tuyên ngôn độc lập, Người hỏi: “Đồng bào nghe rõ không” sao mà gần gũi, mà thân thương, mà vào lòng dân đến thế. Trước khi đi Pháp, Người đã giao quyền cho một nhà trí thức không phải là đảng viên Cộng sản với sự tin tưởng và phong cách gần gũi, nhưng rất nho nhã. Người đã dặn Huỳnh Thúc Kháng ở nhà có việc gì thì cụ nhớ cho “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trên đường đi sang Pháp để đàm phán, yêu cầu Pháp rút quân, tôn trọng nền độc lập Việt Nam, Người giữ đúng phong cách của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vừa thể hiện sự bình đẳng quốc thể, vừa chân tình cởi mở, vừa bình tĩnh toan tính từng bước đi, từng lời nói, nhưng lại nhanh nhẹn linh hoạt, thân thiện cởi mở. Vào thời điểm đó cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, trong nước vừa qua nạn đói khủng khiếp lại bị giặc Pháp, quân Quốc dân Đảng chiếm đóng, đối ngoại thì quốc tế chưa hiểu gì về Việt Nam. Nước ta đang ở thế bị cô lập thế mà Người đã thu phục được nhân tâm của người Pháp bằng chính phong cách vừa dân dã, vừa chính khách. Bằng ý chí và tình cảm của một người yêu nước với sự ứng xử chân tình, cởi mở, lịch lãm Hồ Chí Minh đã thuyết phục được rất nhiều trí thức đang thành đạt ở Pháp trở về quê hương “kháng chiến, kiến quốc”.

        Là một Chủ tịch nước nhưng Người luôn nghĩ đến mình là “đầy tớ của dân” phải chống tư tưởng “ông vua con”. Người nói: Chính phủ mà không phục vụ dân tốt thì “dân có quyền đuổi Chính phủ”. Ứng xử văn hóa còn được thể hiện“nói đi đôi với làm”. Người nói ngắn gọn, đề ra nhiệm vụ rõ ràng để mọi người đều hiểu và làm được. Như là, trước bao nhiêu vấn đề của đất nước đặt ra sau cách mạng Tháng Tám, trước tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc”, thế mà nhiệm vụ đặt ra chỉ gói gọn: “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”; đó là việc làm thiết thực nhất đặt ra cho toàn dân Việt Nam. Trước tình thế đế quốc Mỹ kéo vào miền Nam trên 50 vạn quân, tập trung đánh phá miền Bắc “trở thành thời kỳ đồ đá”, Hồ Chí Minh kêu gọi cả nước chiến đấu bằng một khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Về với nông dân đi thăm đồng ruộng, Người đã cùng tát nước; về với công nhân trong xưởng máy, Người đã trực tiếp cầm búa; ra trận với bộ đội, Người ân cần thăm hỏi chiến sĩ, Người trực tiếp chỉ huy…Người ứng xử với mọi người, mọi tầng lớp vừa rất thiết thực với phong cách của người trong cuộc, vừa có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng của một lãnh tụ.

      Ứng xử văn hóa của Hồ Chí Minh là nét đặc trưng của một nhân cách văn hóa. Người là một chính khách mang tầm thời đại, nhưng rất Việt Nam; một nhà Cộng sản nhưng mang dáng dấp phong cách của một nhà nho, nhà nho xứ Nghệ. Người là lãnh tụ vĩ đại nhưng lại sống rất giản dị, rất gần gũi với mọi người. Người hòa nhập vào trong quần chúng nhân dân, cùng với cụ già, với cháu nhỏ, với chị nông dân, với anh công nhân, với nhà trí thức, với chú bộ đội…Bởi thế mà Người đã là Bác của muôn người, là Cha già của dân tộc; cùng bắt nhịp bài ca “kết đoàn”;“Người cùng chúng cháu hành quân”…Với phong cách Hồ Chí Minh, Người đã kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống văn hóa của gia đình, quê hương, dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại để biến thành một thứ vũ khí sắc bén thu phục được nhân tâm mọi người trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột.

PHAN THỊ BÔNG

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19810370
Hôm nay
Hôm qua
5743
8748