Xuân này, xuân 87 của Đảng ta.
Gần chín thập niên qua, Đảng ta chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đó cũng là thời gian dài Đảng ta dày công rèn luyện để xứng đáng với vai trò người lãnh đạo cách mạng.
Mừng ngày sinh của Đảng năm nay, chúng ta nói tới Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Tôi bỗng thấy ấm lòng khi nhớ lại lời Bác dặn năm xưa. Vào một ngày đầu tháng 6-1968, giữa lúc thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân còn âm vang, Bác Hồ có cuộc làm việc với một số cán bộ lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng về việc làm và xuất bản loại sách “người tốt, việc tốt”. Bác bảo: “Các chú vẫn thường nói: nhân dân ta rất anh hùng, ra ngõ gặp anh hùng. Điều đó rất đúng. Có thể nói trong mỗi nhà đều có anh hùng, như thế ra ngõ mới gặp anh hùng chứ!”. Bác lại bảo: “Có tập thể vĩ đại ấy mới có Đảng ta vĩ đại, mới có Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, mới có kháng chiến chống Pháp thành công, mới có sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước được cả thế giới khen ngợi”. Rồi Bác đặt câu hỏi: “Các chú có biết rằng dân tộc ta vĩ đại, Đảng ta vĩ đại, ta được anh em bầu bạn khắp năm châu yêu mến và ca ngợi là vì cái gì không?”. Và tự trả lời: “Vì cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta do Đảng ta lãnh đạo là chí công vô tư, mình vì mọi người”.
Bác căn dặn: “Từ nay về sau, nhân dân ta và Đảng ta phải giữ gìn và phát huy mãi mãi đạo đức trong sáng ấy. Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cho nên trong khi ta kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước làm cho văn minh chiến thắng bạo tàn thì đồng thời phải loại trừ những cái xấu xa do chế độ cũ để lại trong xã hội và trong mỗi con người”(1).
49 năm đã qua. Lời căn dặn ấy của Bác như vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự nóng hổi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Đất nước đã trải qua 30 năm đổi mới và những thành tựu đạt được là to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Điều Đảng ta vẫn thường băn khoăn và tự đặt cho mình câu hỏi: Liệu chúng ta có làm thật tốt chưa việc “giữ gìn và phát huy mãi mãi đạo đức trong sáng ấy”, như Bác Hồ mong muốn?
Để góp phần trả lời, xin được nhắc lại đôi điều có liên quan cần nhớ.
Ngay từ đầu đổi mới, Đại hội VI của Đảng (1986) đã đề ra quyết sách: “Sau Đại hội Đảng, cần có kế hoạch tiến hành cuộc vận động làm trong sạch Đảng, khắc phục những hiện tượng hư hỏng trong bộ máy nhà nước, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.
Đại hội VII (1991), với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chỉ rõ: “Phải phòng và chống được những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên”.
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) cảnh báo: nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu là một trong bốn nguy cơ lớn trước mắt.
Đại hội VIII (1996) tiếp tục nhấn mạnh sự cảnh báo đó: Tệ quan liêu, tham nhũng và sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho bộ máy Đảng và Nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước bị xói mòn…
Đại hội IX (2001) và X (2006) đều thẳng thắn nhận rằng: Trong công tác xây dựng Đảng, đang nổi lên một số mặt yếu kém và khuyết điểm, nhất là khuyết điểm về công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, chưa ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống.
Đại hội XI, với Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa, khẳng định: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo…”.
Đại hội XII của Đảng, trước sự phát triển phức tạp của tình hình, đã nêu lên quyết tâm chiến lược tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung thực hiện mục tiêu: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII mà chúng ta đang nói tới là nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới nhất của Đảng ta. Có nhiều điểm rất mới. Mới trong chủ đề, trong cách tiếp cận, đánh giá tình hình và cả trong mục tiêu, quan điểm nhiệm vụ và giải pháp.
Ấn tượng sâu sắc nhất là sự nhận diện về 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vậy ý nghĩa thật sự của sự nhận diện ấy là gì? Phải chăng chỉ là sự cảnh báo? Không. Ta không thể đánh thắng một kẻ thù mà không rõ mặt mũi nó ra sao. Bản nhận diện đưa ra đúng lúc, không chỉ là chiếc gương để mỗi người soi vào thấy mình mà còn là vũ khí trang bị cho các tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên để nhận biết kẻ thù và quyết tâm chống lại nó.
Điều cần nói thêm: 27 biểu hiện được nêu đều là biểu hiện của sự tha hóa về phẩm chất, đạo đức ở những mức độ khác nhau. Nhưng ở “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì sự tha hóa đã thành biến chất, khiến cho từ cán bộ, đảng viên có thể hóa ra kẻ phản bội, đối lập với Đảng, với cách mạng. Dẫu sao cũng không nên nghĩ rằng suy thoái không đáng lo bằng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Sự thật thì từ suy thoái dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường. Ông cha ta thường nói, muốn dẹp giặc xa, phải dập tắt lửa gần. Đã là cán bộ, đảng viên thì phải phòng, tránh những biểu hiện suy thoái từ những cái được coi là nhỏ nhất.
Không phải ngẫu nhiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đấu đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta”.
Tổng Bí thư cũng nói thẳng: Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với Đảng, với Tổ quốc để thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc và có hiệu quả, tránh tình trạng thờ ơ, vô cảm, đứng ngoài cuộc hoặc có tư tưởng chỉ trông chờ, phán xét người khác… Tránh nói nhiều làm ít hoặc chỉ nói mà không làm… Tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột", khi quán triệt, triển khai nghị quyết thì rầm rộ nhưng thực hiện lại tắc trách, không có tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm (2).
Bối cảnh tình hình xây dựng, chỉnh đốn Đảng của ta ngày nay đã khác nhiều so với thời Bác nói. Nhưng lòng mong muốn xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, luôn giữ gìn và phát huy bản lĩnh cách mạng và đạo đức trong sáng, được nhân dân tin yêu thì không bao giờ thay đổi. Làm theo lời Bác dặn năm xưa, chắc chắn mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng sẽ thấy lòng ta trong sáng hơn và con người mình lớn lên một chút.
HÀ ĐĂNG
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB chính trị quốc gia, 1996, T12, Tr.547-548.
(2) Báo Nhân Dân, 10-12-2016.