A+ A A-

Học Bác để làm theo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ, tại Duy Xuyên đã xuất hiện nhiều gương điển hình, mô hình hay có sức lan tỏa mạnh mẽ, đưa việc làm theo gương Bác đi vào cuộc sống.

   Bài học về sự sẻ chia

   Mỗi ngày, tiếng máy từ xưởng dệt thảm lau chân của bà Nguyễn Thị Thông (66 tuổi, thôn Phú Nham Đông, xã Duy Sơn, Duy Xuyên) đều đặn phát ra. Gần 20 năm hoạt động, xưởng dệt đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Thông chia sẻ, trước đây bà là giáo viên dạy cấp 1 - 2 của xã. Năm 1998, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên bà quyết định xin rời bục giảng để theo nghề buôn bán. Bà mua hàng thảm lau chân từ TP.Hồ Chí Minh về bỏ mối lại cho các đại lý để kiếm đồng lời trang trải cuộc sống gia đình và nuôi 3 người con ăn học.

   Xưởng dệt thảm lau chân của bà Nguyễn Thị Thông đã góp phần giải quyết lao động cho nhiều phụ nữ khó khăn tại địa phương.

Tủ sách trưng bày các tác phẩm viết về Bác Hồ ở thư viện Trường Tiểu học số 2 Duy Sơn. Ảnh: HÀN GIANG   

   Thời điểm ấy, trên địa bàn tỉnh chưa có nơi nào sản xuất mặt hàng này, nên bà Thông tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật dệt thảm lau chân. Để tự tay dệt ra được những tấm thảm bền đẹp, bà Thông vào tận Mỹ Sơn học tập kỹ thuật dệt thổ cẩm của nghệ nhân. “Từ máy dệt thổ cẩm, tôi quan sát, ghi vẽ lại các chi tiết máy rồi về hoàn chỉnh theo ý tưởng. Sau đó, tôi kêu thợ đến làm ra chiếc máy dệt thảm lau chân thủ công. Sau 10 năm chiếc máy dệt thủ công được tôi mày mò nghiên cứu và nâng cấp để chạy bằng máy như hiện nay. Sản phẩm thảm lau chân được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng nên kinh tế gia đình tôi và nhiều chị em địa phương cũng được cải thiện, khấm khá” - bà Thông tâm tình.

    Nói về việc thực hiện học tập và làm theo gương Bác Hồ của mình, bà Thông bày tỏ: “Từng là giáo viên với thâm niên hàng chục năm đứng trên bục giảng nên tôi thấm nhuần rất nhiều câu chuyện về Bác Hồ. Bài học về sự sẻ chia, sống có trách nhiệm với những người xung quanh của Bác luôn nhắc nhở tôi biết quan tâm, giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Việc mở xưởng dệt thảm lau chân của tôi cũng vì suy nghĩ này và chẳng bao giờ tôi giấu nghề với bất cứ chị em nào có nhu cầu học hỏi. Là Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Phú Nham Đông, hằng năm tôi đều tổ chức cho người cao tuổi của thôn tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, qua đó trao đổi, chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ. Học tập và làm theo gương Bác Hồ theo cách của người già, các cụ luôn nêu gương trong việc giáo dục con cháu, trong các phong trào, cuộc vận động tại địa phương”.

Xưởng dệt thảm lau chân của bà Nguyễn Thị Thông đã góp phần giải quyết lao động cho nhiều phụ nữ khó khăn tại địa phương. 

Xưởng dệt thảm lau chân của bà Nguyễn Thị Thông đã góp phần giải quyết lao động cho nhiều phụ nữ khó khăn tại địa phương.   

  Hiểu Bác mới học được Bác

   Triển khai việc học tập và làm theo gương Bác, Chi bộ Trường Tiểu học số 2 Duy Sơn xác định phải làm cho từng đảng viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Với quan điểm “có đọc, có nghe, có thấy mới hiểu được”, lãnh đạo nhà trường xây dựng tủ sách trưng bày riêng các tác phẩm về chủ đề Bác Hồ tại thư viện. Đến nay, tủ sách tập hợp hơn 30 đầu sách viết về Bác. Thầy Nguyễn Trường Sơn - Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ nhà trường cho biết thêm, trường còn xây dựng một thư mục trong đó gồm các bài viết, hình ảnh, các bài thơ, nhạc, video nói về Bác Hồ. Thư mục đó được lưu ở máy tính dùng chung đặt tại thư viện, giao cho cán bộ thư viện cập nhật và bổ sung. Những nguồn tư liệu ấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường khai thác, sưu tầm các mẩu chuyện về Bác, sử dụng tư liệu để thiết kế bài giảng điện tử về chủ đề Bác Hồ, tham gia các hội thi kể chuyện về Bác... Giải pháp này đã giúp cho mỗi cán bộ, thầy cô giáo và học sinh nhà trường có điều kiện nghiên cứu, hiểu biết đầy đủ, sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, từ đó đặt ra cho bản thân việc học và làm theo phù hợp.

   Cụ thể hóa việc làm theo gương Bác, Chi bộ nhà trường còn xây dựng tiêu chuẩn đạo đức phù hợp, đồng thời hướng dẫn mỗi người hiểu rõ hơn những nội dung cần thực hiện. Trên cơ sở đó, đảng viên, giáo viên, nhân viên nhà trường tự nghiên cứu, vận dụng, xây dựng bản đăng ký rèn luyện với những việc làm thiết thực. Ví dụ như trong thực hành tiết kiệm, nếu muốn tiết kiệm thời gian, cán bộ, đảng viên của trường làm việc phải có kế hoạch, biện pháp khoa học; tổ chức hội họp phải chuẩn bị thật chu đáo nội dung để rút ngắn thời gian, tránh nói dài, dàn trải. Để học tập và làm theo phong cách giản dị của Bác, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên khi đến trường, lên lớp có trang phục gọn gàng, lịch sự, không gây phản cảm. “Những cách làm như vậy đã góp phần đưa chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng nâng lên, luôn đứng vào tốp đầu của huyện. Nhiều năm qua, Chi bộ nhà trường được công nhận danh hiệu trong sạch vững mạnh” - thầy Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

   Học để làm theo

   Ông Bùi Văn Ba - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Duy Xuyên cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), tại địa phương đã xuất hiện nhiều tấm gương, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến gắn với các phong trào quần chúng ở cơ sở được tôn vinh và nhân rộng. Thực hiện việc “làm theo”, các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn nỗ lực phấn đấu thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Nhiều địa phương duy trì tốt tổ kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ phục vụ tuyên truyền đến các hội, đoàn thể và quần chúng nhân dân. Không ít tấm gương cán bộ cơ sở phát huy tốt công tác vận động quần chúng, luôn sâu sát, tổ chức nhiều phong trào thiết thực ở địa phương, được nhân dân tin yêu, mến phục. Bên cạnh đội ngũ cán bộ, còn có những cá nhân trong cuộc sống đời thường mà những việc làm của họ đã giúp lan tỏa sâu rộng việc học và làm theo gương Bác trong cộng đồng dân cư.

   “Qua thực tế cuộc sống cho thấy, việc học và làm theo gương Bác Hồ ở Duy Xuyên không mang tính hình thức, không dừng lại ở triển khai chỉ thị, nghị quyết, mà đã được vận dụng, đi vào thực tiễn. Và những tấm gương điển hình là sự khẳng định rõ nhất về điều đó. Kết quả đã đạt được là động lực quan trọng để Duy Xuyên tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - ông Ba nói. Cũng theo ông Ba, Ban Thường vụ Huyện ủy Duy Xuyên luôn khẳng định và quán triệt việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, góp phần làm cho Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; hình thành đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Đặc biệt, xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gần dân, luôn biết lắng nghe, đối thoại với nhân dân, làm việc gì cũng vì dân.

HÀN GIANG

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19836387
Hôm nay
Hôm qua
18949
12811