Hiện nay, trên địa bàn huyện triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế, mặc dù cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã công bố quy hoạch, nhưng nhiều trường hợp vẫn cố tình xây dựng trái phép. Cụ thể như Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, mặc dù UBND tỉnh đã công bố quyết định phê duyệt qui hoạch, và UBND huyện Duy Xuyên đã có quyết định thu hồi đất, nhưng không ít trường hợp lén lút xây dựng trái phép. Về những trường hợp sai phạm này, thì bị pháp luật xử lý như thế nào?. Mời quí vị và các bạn cùng tìm hiểu!
Hỏi:Trường hợp xây dựng nhà ở trên diện tích đất đã được công bố qui hoạch thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 49 Luật đất đai năm 2013:
“Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”
Như vậy, trường hợp thu hồi đất ở Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An nếu đã có thông báo thu hồi đất thì về nguyên tắc không được xây dựng nhà ở trên đất.
Ngoài ra, căn cứ vào khoản 8 điều 11 nghị định 23 của Chính phủ thì chủ đầu tư còn bị buộc khắc phục hậu quả và bị xử lý theo quy định tại điều 12 Nghị định số 180 Nghị định của Chính phủ:
Tại điều 12. Nghị định 180 ngày 7/12/2007 của Chính phủ quy định về Xử lý công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng như sau:
Những công trình xây dựng theo quy định phải có Giấy phép xây dựng, khi xây dựng không có Giấy phép xây dựng phải bị xử lý như sau:
a) Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị;
b) Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng;
c) Cưỡng chế phá dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.
Tại khoản 6, Điều 13, nghị định 121 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý và phát triển nhà và công sở qui định rõ:
Vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng:
Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Theo khoản 3 điều 27 nghị định 121 của chính phủ quy định về xử phạt nhà thầu xây dựng người trực tiếp thi công xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ như sau: phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Nếu người trực tiếp thi công xây dựng tiếp tục thi công xây dựng công trình đã bị cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ thi công thì bị xử phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng (theo điểm a khoản 4 Điều 27 Nghị định 121).
Như vậy, việc nhân dân tự ý thực hiện xây dựng mới, cơi nới nhà ở tường rào, kiến trúc mà không có giấy phép xây dựng là vi phạm trật tự xây dựng, hành vi vi phạm này bị xử lý theo quy định tại nghị định 180 của chính phủ và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định 121 của chính phủ.