Nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thành lập các cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội trên lãnh thổ Việt Nam; ngày 12/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 103/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Đối tượng áp dụng của Nghị định là các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập.
Nghị định số 103 quy định các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; cơ sở bảo trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cơ sở bảo trợ chăm sóc người khuyết tật; cơ sở bảo trợ chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; cơ sở bảo trợ tổng hợp thực hiện chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội; trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội và các cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật.
Các cơ sở trợ giúp xã hội có nhiệm vụ tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng như: nơi cư trú tạm thời, thức ăn, quần áo và đi lại; tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng; tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc; tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng; cung cấp các dịch vụ về điều trị y tế, về giáo dục xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng lao động sản xuất theo quy định của pháp luật...
Ngoài quy định về loại hình và nhiệm vụ của các cơ sở trợ giúp xã hội, Nghị định số 103 còn quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị cơ sở trợ giúp xã hội; hoạt động trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các đơn vị cơ sở trợ giúp xã hội.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2017.