UBND
tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2813/QĐ-UBND về thực hiện chính sách khuyến
khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015. Chính sách này được áp dụng
trên phạm vi toàn tỉnh đối với hộ nghèo đã thoát nghèo vượt qua chuẩn cận
nghèo.
Để được hưởng chính sách, hộ nghèo phải đảm bảo các điều kiện: Hộ nghèo
(lấy năm 2013 làm năm gốc, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số
459/QĐ-UBND ngày 11.2.2014), có đơn tự nguyện cam kết thoát nghèo, vượt qua
chuẩn cận nghèo theo quy định tối thiểu 3 năm liên tiếp kể từ thời điểm được
công nhận thoát nghèo. Sau khi điều tra, rà soát hằng năm được UBND cấp xã
quyết định công nhận đã thoát nghèo nhưng phải vượt qua chuẩn cận nghèo. Chính
sách này không áp dụng đối với hộ nghèo không tự nguyện cam kết thoát nghèo;
những hộ nghèo có đăng ký thoát nghèo nhưng không có khả năng lao động, không
có tổ chức sản xuất kinh doanh, không có việc làm và thu nhập ổn định, sống phụ
thuộc chủ yếu từ sự chu cấp của người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng theo quy
định của pháp luật hoặc từ nguồn trợ cấp của Nhà nước, nguồn trợ giúp, đỡ đầu
của các cá nhân, đơn vị từ thiện.
Hộ
thoát nghèo hưởng nhiều chính sách
Thời
gian đăng ký thoát nghèo trong 2 năm 2014 và 2015, từ năm 2015 đến 2018 hộ
nghèo sẽ được hưởng chính sách. Cụ thể: đăng ký năm 2014 và được công nhận
thoát nghèo năm 2014: hưởng chính sách kể từ năm 2015 (chính sách hỗ trợ về y tế,
giáo dục thực hiện đến hết năm 2016, chính sách tín dụng thực hiện đến hết năm
2017). Đăng ký năm 2015 và được công nhận thoát nghèo năm 2015: được hưởng
chính sách kể từ năm 2016 (chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục thực hiện đến
hết năm 2017, chính sách tín dụng thực hiện đến hết năm 2018).
Những
chính sách được hưởng: được hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế theo
loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện trong thời gian 24 tháng; được miễn học phí
cho học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ chi phí học tập mức 70 nghìn đồng/học
sinh/tháng cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ tiền
ăn trưa cho trẻ 3 - 5 tuổi mức 120 nghìn đồng/em/tháng (9 tháng/năm); cấp bù
50% học phí cho học sinh, sinh viên học chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
và giáo dục đại học (các chính sách hỗ trợ giáo dục được thực hiện trong 2 năm
học liên tục). Ngoài ra, còn được bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ 100% lãi suất vốn
vay để phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu lao động với mức vay tối đa 20
triệu đồng/hộ, thời gian vay không quá 36 tháng. Đồng thời được thưởng bằng
tiền mặt 5 triệu đồng/hộ thoát nghèo. UBND tỉnh cũng khuyến khích các địa
phương có mức thưởng cao hơn nhưng phần chênh lệch tăng so với mức thưởng nêu
trên do ngân sách địa phương (cấp huyện và cấp xã) đảm bảo. Các chính sách y
tế, giáo dục, tín dụng và tiền thưởng được thực hiện một lần sau khi hộ nghèo
có cam kết và được công nhận thoát nghèo.
Thôn
được thưởng bằng công trình
Đối
với các thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao (từ 30% trở lên), để được hưởng chính sách
khuyến khích thoát nghèo, phải thỏa mãn các điều kiện sau: xây dựng và triển
khai kế hoạch giảm nghèo với những giải pháp, biện pháp giảm nghèo sát thực tế
nguyên nhân nghèo của từng hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời tổ chức điều tra, rà
soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng quy trình, không bỏ sót hộ nghèo, cận
nghèo; tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra hộ nghèo, cận nghèo và kết quả thực
hiện chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo với cấp trên đúng quy định.
Không có vi phạm về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo và quy
trình điều tra, rà soát xác định hộ nghèo hằng năm trên địa bàn; không có hộ
chính sách, người có công thuộc diện nghèo; không có hộ tái nghèo, trừ các
trường hợp bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn; có đăng ký giảm tỷ
lệ hộ nghèo hằng năm từ 6% trở lên, hộ cận nghèo từ 4% trở lên và giảm 2 năm
liên tục kể từ năm 2014. Thời gian đăng ký trong năm 2014 và thụ hưởng chính
sách vào năm 2016. Theo đó, thôn sẽ được thưởng bằng công trình cần thiết cho
cộng đồng của thôn, trị giá 300 triệu đồng/thôn và thưởng một lần sau 2 năm
liên tiếp được công nhận đạt tỷ lệ giảm nghèo theo quy định trên kể từ thời
điểm đăng ký.
Hơn
87,6 tỷ đồng triển khai
Tổng
kinh phí dự kiến thực hiện chương trình hơn 87,6 tỷ đồng; trong đó ngân sách
tỉnh hơn 77,3 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách huyện, thành phố. Cụ thể: kinh phí
dành cho chính sách khuyến khích hộ thoát nghèo hơn 62,5 tỷ đồng; thôn giảm
nghèo hơn 24,1 tỷ đồng; kinh phí quản lý, điều hành hơn 845 triệu đồng.
Đối
với hộ thoát nghèo, nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ 100% mức đóng
bảo hiểm y tế tự nguyện; cấp bù 50% học phí cho học sinh, sinh viên con
hộ thoát nghèo học chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại
học được phân cấp thực hiện như sau. Các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam
Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Phước Sơn: ngân
sách tỉnh đảm bảo 100%; các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Phú Ninh, Thăng
Bình: ngân sách tỉnh 50%, ngân sách huyện 50%; các huyện, thành phố: Hội An,
Tam Kỳ, Núi Thành, Điện Bàn: tự cân đối từ ngân sách địa phương.
Ngân
sách tỉnh đảm bảo 100% kinh phí thực hiện các chính sách sau: hỗ trợ chi phí
học tập cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ tiền ăn
trưa cho trẻ 3 - 5 tuổi; thưởng bằng tiền mặt 5 triệu đồng/hộ thoát nghèo; miễn
học phí cho học sinh con của hộ thoát nghèo đang theo học ở các cấp phổ thông
được thực hiện trực tiếp tại trường, ngân sách đảm bảo kinh phí hoạt động dạy
và học cho các trường khi thực hiện miễn học phí theo quy định; hỗ trợ 100% lãi
suất vốn vay cho hộ thoát nghèo để phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu
lao động.
BẢO
NGUYÊN (Tổng hợp)
;