Sáng nay 1/6, tại huyện Duy Xuyên, UBND tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình năm 2023 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” và triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Đông đảo đại biểu tham dự lễ phát động. Ảnh: N.T
Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số sở ban ngành, địa phương.
Báo động bạo lực gia đình
Tại lễ phát động, ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Theo ông Hải, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa và phát triển nhanh của xã hội, đời sống người dân ngày càng được nâng cao thì những hệ lụy từ tiêu cực, tệ nạn xã hội cũng có chiều hướng tăng theo. Một số ít người dân có lối sống thực dụng, ích kỷ, thiếu trách nhiệm, vô cảm; suy thoái đạo đức, ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình đã trở thành vấn nạn đáng lo ngại.
Tiểu phẩm tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: N.T
Những giá trị đạo đức truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam ngày càng bị mai một, thay vào đó tình trạng tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống và nghiêm trọng hơn là bạo hành trong gia đình, bạo lực trong học đường, xâm hại trẻ em, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội ngày càng phức tạp.
Quan niệm lệch lạc trong tình yêu và hôn nhân ở một bộ phận giới trẻ như yêu sớm, yêu vội, sống thử trước hôn nhân, cưới vội dẫn đến việc thiếu kỹ năng sống, coi thường pháp luật có chiều hướng gia tăng; các tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc, lừa đảo, rượu chè dần thâm nhập vào đời sống gia đình; các thành viên trong gia đình ít dành thời gian chăm sóc, chia sẻ, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ nhau…
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: N.T
Ông Hải cho rằng, những nguyên nhân nêu trên làm suy giảm sự bền vững hạnh phúc gia đình, gây thiệt hại về kinh tế cũng như sự an toàn cho mỗi gia đình và toàn xã hội.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2013 - 2023, trên địa bàn Quảng Nam có 2.072 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, có 1.901 vụ nạn nhân nữ, 94 vụ nạn nhân trẻ em, 77 vụ nạn nhân người cao tuổi. “Đây là con số đáng báo động và thực tế con số này sẽ còn nhiều hơn nữa nhưng do người dân ngại thông tin, báo cáo lên cơ quan chức năng” - ông Hải nói.
Tích cực hành động
Theo ông Tào Viết Hải, từ thực trạng trên cho thấy công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần phải được thực hiện thường xuyên và có tính ưu tiên quan tâm đầu tư từ các cấp, các ngành, địa phương cũng như toàn xã hội đối với chiến lược xây dựng gia đình hạnh phúc.
Lãnh đạo các ngành, địa phương ký cam kết chung tay phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: N.T
Ông Hải cho rằng, công tác phòng chống bạo lực gia đình phải xuất phát từ gia đình và từ mỗi thành viên trong gia đình. Đồng thời, phải kết hợp nhiều lực lượng trong xã hội cùng tham gia từ tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn, vận động, thuyết phục đến áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm minh với phương châm “lấy xây để chống”.
Đặc biệt, cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng, giữa các thành viên trong gia đình để từ đó có cách ứng xử phù hợp, tôn trọng nhau, không để xảy ra bạo lực trong mỗi gia đình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, nhằm đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động. Ảnh: N.T
Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về gia đình nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển tích cực trong các tầng lớp nhân dân về phòng chống bạo lực gia đình.
Chú trọng bồi dưỡng kiến thức và hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình; nâng cao tính tích cực của xã hội, của cộng đồng trong phòng chống bạo lực gia đình và giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình.
Đồng chí Hồ Quang Bửu đề nghị Sở VH-TT&DL tích cực hướng dẫn các địa phương lồng ghép những nội dung của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và các tiêu chí khác như “Không có bạo lực gia đình”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”… vào xét công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, thôn/tổ dân phố văn hóa, tộc họ văn hóa.
Đặc biệt, chú trọng công tác giáo dục đời sống gia đình, thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết, tương trợ cộng đồng; sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử văn minh, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cũng yêu cầu chính quyền các cấp cùng các cơ quan liên quan xử lý nghiêm và kịp thời đối với những người có hành vi bạo lực gia đình theo đúng quy định của pháp luật.
Cạnh đó, lồng ghép công tác phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, địa phương; nhất là quan tâm hỗ trợ, tạo nguồn lực và các điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh về công tác gia đình...
MAI NHI - PHI THÀNH