15 năm nay, 100 hộ dân thuộc tổ 2, thôn Phước Mỹ 3, thị trấn Nam Phước,
huyện Duy Xuyên, hằng ngày phải qua lại trên chiếc cầu phao đang xuống cấp trầm
trọng. Đi vào sử dụng từ năm 2001, chiếc cầu phao này được thiết kế đơn giản,
chỉ bằng 200 thùng phuy và ván lát, dài khoảng 180m mà không hề có thành cầu.
Hiện tại, gỗ lát mặt cầu đã mục nát, nhiều đoạn mặt cầu phải chắp vá. Một số
thùng phuy đã bị hư hỏng nặng. Mỗi khi qua cầu, người dân như đang “đánh đu”
với tử thần. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp rơi xuống sông và đã có
người tử vong.
Nguy hiểm là vậy, nhưng hằng ngày, chiếc cầu phao này là cầu nối để người
dân tổ 2, thôn Phước Mỹ 3 đi làm, đi chợ… bởi toàn bộ diện tích đất hoa màu hơn
30ha của người dân nằm bên này sông. Đặc biệt, hằng ngày vẫn có hơn 400 học
sinh phải qua sông bằng chiếc cầu này để đi học ở trường THCS và THPT trong thị
trấn. Theo người dân ở đây, nếu đi đường vòng để lên thị trấn thì họ phải đi
quãng đường hơn 10km, còn đi qua cầu thì quãng đường rút ngắn chỉ khoảng 2km.
Chính vì vậy, cầu phao là phương tiện được họ lựa chọn mỗi khi lên thị trấn.
Em Ngô Văn Phú (Lớp 12A1, Trường THPT Sào Nam, Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng
Nam) chia sẻ: “Tháng trước, em cùng hai bạn đi sinh hoạt ngoại khóa, gần tối
mới trở về. Qua cầu chẳng may hai bạn rơi xuống sông, may mà phía sau có mấy
chú đi làm ruộng về nhảy xuống cứu. Về đến nhà, em vẫn còn run. Em chỉ mong
sao, các cấp chính quyền sớm làm một chiếc cầu để tụi em yên tâm qua lại đi
học”.
Cuối tháng 4, đầu tháng 5 là khoảng thời gian mà người dân tổ 2, thôn Phước
Mỹ 3 bắt đầu thu hoạch hoa quả, rau màu. Chị Phan Thị Liên (45 tuổi, trú tại tổ
2) chia sẻ: “Tôi vừa thu hoạch mấy sào đậu, năm nay rau, đậu được mùa, nhưng
niềm vui chưa hết thì nỗi lo lại kéo đến. Chúng tôi lo phải vận chuyển rau, quả
trên chiếc cầu phao lắc lư, chông chênh này về nhà. Chẳng may, đậu, rau rơi hết
xuống sông thì chúng tôi coi như mất trắng”.
Nỗi lo của chị Liên cũng là nỗi lo chung của người dân thôn Phước Mỹ 3. Vì
trước đây, đã có rất nhiều trường hợp sau khi thu hoạch xong, vận chuyển qua
cầu về nhà thì người, xe và lúa rơi xuống sông, khó khăn lắm mới vớt lên được.
“Thỉnh thoảng ở đầu cầu bên này, cứ đến mỗi buổi sáng người đi làm, đi học
phải thắp vài nén hương cầu mong sự bình an. Chúng tôi chỉ mong sớm có một cây
cầu bắc qua sông để hằng ngày khỏi nơm nớp lo sợ mỗi khi qua cầu”. Ông Võ Như
Quốc người cùng thôn với chị Liên tâm sự.
Bài, ảnh: THÂN THỊ THANH TRÂM