Theo con số tổng hợp mới đây của Phòng Tài
chính và Kế hoạch huyện Duy Xuyên, đến hết tháng 11.2014, toàn huyện thu phí bảo
trì giao thông đường bộ được 1 tỉ 111 triệu đồng, chỉ đạt 25% chỉ tiêu giao.
Theo kế hoạch năm 2014, toàn huyện phải thu
phí bảo trì giao thông đường bj hơn 4 tỉ 388 triệu đồng, trong đó phí của năm
2014 là 2 tỉ 282 triệu đồng và thu nợ năm 2013 là 1 tỉ 700 triệu đồng. Đáng biểu
dương là xã Duy Phước hiện có 1260 chiếc xe máy, xe mô tô, tổng số phí bảo trì
giao thông đường bộ phải thu là 82 triệu
rưỡi đồng, đến cuối tháng 11.2014, xã Duy Phước đã thu được 114 triệu đồng, vượt
39% chỉ tiêu giao, cao nhất so với các xã, thị trấn trong huyện với số tiền 114
triệu rưỡi đồng, vượt 39% chỉ tiêu giao. Một số xã thu đạt khá là Duy Thành đạt
71%, Duy Phú đạt 66%, Duy Trinh đạt 60%. Nhiều xã, thị trấn thu phí bảo trì
giao thông đường bộ đạt rất thấp, cụ thể như xã Duy Hòa có 2580 chiếc xe máy,
xe mô tô, tổng số phí phải thu là 238 triệu đồng, nhưng địa phương chỉ thu được
hơn 15 triệu đồng, đạt 6% chỉ tiêu, thấp nhất so với các xã, thị trấn trong huyện;
kế đến là xã Duy Thu thu được 20 triệu đồng, chỉ đạt 9,9%. Đáng chú ý là thị trấn
Nam Phước có số lượng xe mô tô, xe máy nhiều nhất huyện hơn 7000 chiếc, nhưng
thu phí bảo trì giao thông đường bộ mới đạt 190 triệu đồng, chỉ đạt 17% chỉ
tiêu.
Huyện Duy Xuyên có 31.210 chiếc xe máy, xe mô
tô, tổng số thu phí bảo trì giao thông đường bộ của tỉnh giao trong năm 2014 gần
2,5 tỉ đồng và thu nợ của năm 2013 là 1,7 tỉ đồng. Vậy thì nguyên nhân nào mà kết
quả thu phí bảo trì giao thông đường bộ toàn huyện đạt thấp như vậy?. Theo tìm
hiểu của phóng viên nguyên nhân đạt thấp là do chính quyền các xã, thị trấn
chưa tích cực triển khai các biện pháp quyết liệt để thu phí bảo trì giao thông
đường bộ. Một số địa phương triển khai thực hiện theo kiểu được chăng hay chớ,
nghĩa là có triển khai thực hiện chủ trương của Nhà nước; thiếu hình thức, biện
pháp thu hiệu quả, thậm chí có địa phương tổ chức thu phí bảo trì giao thông đường
bộ một cách tượng trưng, đại diện; hộ có 2 chiếc xe máy chỉ thu 1 chiếc; hộ có
3 chiếc xe máy, xe mô tô thì thu 2 chiếc, nên rất nhiều xe máy, xe mô tô bị bỏ
sót. Công tác tuyên truyền về chủ trương thu phí bảo trì giao thông đường bộ đối
với các phương tiện giao thông, trong đó có xe máy, xe mô tô còn nhiều hạn chế,
nhận thức của người dân về nghĩa vụ nộp phí bảo trì giao thông đường bộ còn hạn
chế; công tác quản lý của Nhà nước về phương tiện giao thông trên địa bàn không
chặt chẽ, nhiều trường hợp di biến động về phương tiện giao thông, chính quyền
địa phương không kiểm soát được.
Trước tình trạng thu phí bảo trì giao thông
đường bộ đạt thấp, UBND huyện đề ra một số biện pháp mang tính chế tài hành
chính, cụ thể qui định địa phương nào đến thời điểm ngày 30/11/2014 thu phí bảo
trì giao thông đường bộ đạt trên 60% chỉ tiêu thì được trích lại theo tỉ lệ qui
định, nghĩa là đối với xã được trích lại 20% tổng số thu được; đối với thị trấn
thì 10%. Nếu đến ngày 15/1/2015, các xã này vượt mức chỉ tiêu giao trong năm
2014 thì được hỗ trợ lại từ ngân sách huyện cho xã tương ứng phần vượt thu để đầu
tư sửa chữa các công trình giao thông. Đối với các xã đến ngày 30/11/2014 thu
phí bảo trì giao thông đường bộ đạt dưới 50% thì không cấp tỉ lệ theo qui định,
và đến ngày 1.1.2015 nếu những xã này không hoàn thành chỉ tiêu giao thì sẽ bị
áp dụng biện pháp khấu trừ số cân đối chi ngân sách năm 2015 tương ứng với số
thu hụt theo chỉ tiêu giao và có khả năng sẽ không bố trí vốn giao thông nông
thôn. Việc chấp hành qui định thu phí bảo trì giao thông đường bộ cũng được đưa
vào một tiêu chí để xét thi đua năm 2014 của các xã, thị trấn.
Hoàng Thơ
/