Mô hình “Tổ
an ninh trên biển” hay “Tổ đoàn kết đi biển” được thành lập tại nhiều địa
phương trên địa bàn huyện Duyn Xuyên nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung là
một trong những cách giúp ngư dân phát huy vai trò của mình trong việc bảo vệ
chủ quyền vùng biển, giữ gìn an ninh trật tự và giúp nhau khi gặp khó khăn,
hoạn nạn.
Tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, mô hình “Tổ an ninh
trên biển” tuy mới ra mắt chưa đầy một năm nhưng đã đem lại hiệu quả đáng kể.
Mô hình được xây dựng trên cơ sở phát động đội lưới C10 của xã gồm 5 tổ đoàn
kết với hơn 400 lao động đi biển. Mô hình mang tính tự nguyện của nhân dân,
nhưng thông qua đó đã tháo gỡ được những mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ, hòa
giải các tranh chấp trên biển khi liên quan đến các tàu cá các tỉnh bạn. Tham
gia “Tổ an ninh trên biển” mỗi ngư dân cũng là một “chiến sĩ” tham gia bảo vệ
biển đảo Tổ quốc, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, làm nòng
cốt cho phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau
trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn, rủi ro trên biển; chung tay bảo vệ ngư trường
đánh bắt. Khi phát hiện tàu thuyền lạ có dấu hiệu nghi vấn, các tàu thông tin
kịp thời đến lực lượng chức năng, chính quyền để có biện pháp đối phó. Mô hình
là một bước gắn kết hơn nữa tinh thần đoàn kết của ngư dân trên cơ sở tổ, đội
ngư dân đoàn kết trên biển. Trưởng Công an xã Duy Vinh - Huỳnh Văn Tuấn nói:
“Ngay từ đầu, mô hình đã nhận được sự đồng thuận cao của bà con ngư dân. Vì mô
hình xuất phát từ nguyện vọng của ngư dân khi thực tế sản xuất trên biển rất
cần sự đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau trên ngư trường khơi xa”.
Xã Duy Vinh hiện đã xây dựng được 5 “Tổ an ninh trên
biển” với gần 30 tàu cá. Ông Trần Đức - Tổ trưởng tổ an ninh trên biển số 4 (gồm
7 thành viên) là một trong những người đầu tiên đề xuất xây dựng mô hình “Tổ an
ninh trên biển” chia sẻ, thực tế đánh bắt giữa biển khơi với muôn vàn rủi ro,
nguy hiểm thì việc liên kết trách nhiệm với nhau để bảo vệ chính tính mạng, tài
sản của ngư dân cũng như tham gia bảo vệ an ninh trên biển là cần thiết, vì thế
100% ngư dân xã Duy Vinh đều tham gia vào mô hình. Nếu trên bờ bà con gắn bó
nhau bằng tình làng nghĩa xóm thì khi ra khơi, sự gắn kết càng cần thiết hơn để
tạo nên sức mạnh, nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn an ninh trật tự trên
biển.
Ngoài việc xây dựng các tổ an ninh trên biển, huyện
Duy Xuyên cũng thành lập nhiều tổ, đội đoàn kết đi biển, góp phần quan trọng
trong việc giữ vững chủ quyền biển đảo và khai thác nguồn lợi hải sản. Ngư dân Đặng Công Danh - Tổ trưởng tổ đoàn
kết làm nghề rập ghẹ ở xã Duy Hải chia sẻ: “Trong quá trình khai thác trên
biển, tàu của tôi hay của một số anh em khác khi bị hỏng máy thì tàu gần nhất
phải có trách nhiệm đến trợ giúp. Ngoài ra, chúng tôi càng ý thức được rằng,
mỗi ngư dân là mỗi tai mắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của
Tổ quốc”. Tính tháng cuối tháng 12 năm 2014, toàn huyện có 364 chiếc tàu
thuyền, tổng công suất 8.630 CV, chưa kể 48 chiếc làm dịch vụ. Tổng sản lượng
khai thác hải sản đạt 10.239 tấn, trong đó hải sản xuất khẩu: 4.611 tấn, đạt 103%
so với kế hoạch cả năm, doanh thu hàng trăm tỷ đồng, góp phần vào quá trình
phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hoạt động của mô hình tổ an ninh trên biển cũng như
các tổ đội đoàn kết đi biển giúp ngư dân yên tâm bám biển, thắt chặt và phát
huy sức mạnh của sự đoàn kết, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền
biển đảo. Qua đó, góp phần quan trọng giải quyết kịp thời nhiều vụ việc ngay từ
cơ sở, tạo sự phát triển bền vững trên địa bàn./.