Để tạo lòng tin, những kẻ gian tự giới thiệu là con, cháu của một người bà con nào đó thân quen với gia đình nạn nhân.
Thủ đoạn mà những kẻ gian thực hiện là giả làm con, cháu của một người bà con nào đó mà gia đình nạn nhân quen biết. Sau khi lấy được lòng tin, kẻ gian mở lời mượn tiền hay nhẫn tâm hơn ra tay thực hiện hành vi trộm cắp.
Ông Trần Khương (82 tuổi, thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho hay, sáng ngày 11/5/2016, vợ chồng ông đang ở nhà thì một người đàn ông khoảng 50 tuổi vào nhà và tự giới thiệu là con rể ông Ba Mậu. Nghe đến tên ông Ba Mậu, ông Khương không hề nghi ngờ bởi người này bà con với vợ chồng ông hiện đang ở Đà Nẵng nhưng đã lâu không gặp.
Sau một lúc hỏi thăm sức khỏe, “con rể” ông Ba Mậu cho biết mục đích đến đây để mời vợ chồng ông Khương ra Đà Nẵng dự dám giỗ. Để lấy lòng tin “con rể” ông Ba Mậu còn kể nhiều chuyện về gia đình, cuộc sống của “cha vợ” ngoài Đà Nẵng cho vợ chồng ông Khương nghe.
Nói chuyện được lúc, người đàn ông này gợi ý muốn mượn vợ chồng ông Khương 5 triệu đồng để mua một lô hàng ở TP. Tam Kỳ (Quảng Nam). Vốn gia cảnh khó khăn nên khi nghe nói đến chuyện mượn tiền bà Lê Thị Thương (78 tuổi, vợ ông Khương) có ý từ chối. Nhưng nghe ông Khương bảo: “Con cháu mình chứ ai, bà cho nó mượn đi” thì bà Thương lại xuôi lòng. Bà Thương mở tủ gom hết cũng chỉ được 1,2 triệu đồng rồi đưa cho “con rể” ông Ba Mậu. Nhận được tiền, “người cháu” một đi không trở lại. Chờ nhiều ngày không thấy người đàn ông này quay lại trả tiền, vợ chồng ông Khương liên lạc với gia đình ông Ba Mậu thì biết không có người cháu nào như vậy. Lúc này, vợ chồng ông Khương mới tá hỏa biết mình bị lừa.
Sơn Tùng