Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Duy Xuyên( 30/4/1930-30/4/2022), Ban Tuyên giáo huyện ủy Duy Xuyên tổ chức cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ huyện Duy Xuyên giai đoạn 1930-2015. Cuộc thi được Ban tuyên giáo huyện ủy phát động từ ngày1/12/2021 đến ngày 30/3/2022, với nội dung gồm 5 câu hỏi tìm hiểu về sự ra đời, các sự kiện nổi bật và các giai đoạn lịch sử cách mạng của đảng bộ huyện Duy Xuyên, các tập thể và cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và Anh hùng lao động trên địa bàn huyện, những thành tựu nổi bật của quê hương Duy Xuyên qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới kể từ năm 1986 cho đến hôm nay.
Bài dự thi đạt giải nhất của thí sinh Võ Hoàng Quốc-đảng bộ công an huyện Duy Xuyên
Để cuộc thi trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và đạt kết quả, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đã chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ, các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt và triển khai cho đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh các trường THPT và Nhân dân đang sinh sống, học tập, lao động trên địa bàn huyện hưởng ứng, tham gia dự thi. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên tuyền về cuộc thi; lồng ghép nội dung tuyên truyền về cuộc thi thông qua các buổi hội họp, toạ đàm; kết hợp tuyên truyền các ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của huyện, đồng thời chỉ đạo tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống đài truyền thanh, nhóm zalo..., qua đó giúp cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nghiên cứu, tham khảo để tham gia Cuộc thi. Trung tâm Văn hóa - Thể thao & Truyền thanh-Truyền hình huyện mở các chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền về cuộc thi, kịp thời đưa tin về cuộc thi; Cổng Thông tin điện tử huyện đăng tải thể lệ cuộc thi để tạo thuận lợi cho đông đảo các đối tượng biết và tham gia. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Huyện ủy sao gửi các tài liệu tham khảo như: lịch sử Đảng bộ huyện các giai đoạn (1930-1954, 1954-1975, 1975-2015), lịch sử lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Duy Xuyên (giai đoạn 1945 - 1975) và tập Lịch sử Công an huyện Duy Xuyên (giai đoạn 1945 -2010) bằng file mềm qua hệ thống điều hành của huyện đến các địa phương, cơ quan, ban, ngành và hội đoàn thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả lời các câu hỏi của cuộc thi.
Bài dự thi đạt giải nhì của thi sinh Nguyễn Thị Mỹ Lập-đảng bộ xã Duy Hòa
Tuy thời gian tổ chức cuộc thi chỉ trong vòng 4 tháng nhưng đã thu nhậngần 3.600bài dự thi của cán bộ, đảng viên, công chức, giáo viên, học sinh của 30 đảng bộ, chi bộ trong toàn huyện. Sau khi chọn lọc từ cơ sở, các chi, đảng bộ gửi tham gia dự thi ở huyện 1.404 bài, trong đó 16 đảng bộ gửi771 bài dự thi và 14 chi bộ cơ sở gửi 633 bài dự thi. Nhiều đơn vị có số lượng, tỷ lệ người tham gia dự thi cao như: Đảng bộ xã Duy Phú (118 bài), Đảng bộ xã Duy Nghĩa (111 bài), trường THPT Lê Hồng Phong (396 bài), trường THPT Nguyễn Hiền (114 bài).Thành phần tham gia dự thi chủ yếu là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh, trong đó giáo viên với 623 bài chiếm 44,72%; học sinh các trường THPT với 446 bài chiếm 32,02%, cán bộ,công chức, đảng viên thôn, khối phố là 324 bài chiếm 23,26%. Nhiều cá nhân đã bỏ công sức đầu tư công phu, tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia dự thi rất nhiệt tình, nghiêm túc, hiệu quả như: Nguyễn Thị Mỹ Lập- xã Duy Hoà; Phan Thị Lý-Ban Đại diện Hội Người cao tuổi và Nguyễn Quỳnh My-Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn. Riêng bài dự thi của thi sính Võ Hoàng Quốc-Đảng bộ Công an huyện không dừng lại ở dạng bài dự thi đơn thuần mà trở thành công trình dự thi với bài dự thi được đầu tư rất công phu, tỉ mỉ, đóng thành 2 tập sách dày 250 trang, hình thức trình bày mang tính mỹ thuật, kỹ thuật, hấp dẫn, bắt mắt, thu hút sự chú ý của người đọc, làm toát lên chủ đề của cuộc thi.
Trao giải cho cá nhâ, tập thể
Ban tổ chức đã trao giải nhất tập thể cho Đảng bộ công an huyện, giải nhì tập thể cho Đảng bộ xã Duy Hòa, giải ba cho tập thể đảng bộ xã Duy Thành; 2 đơn vị Đảng bộ xã Duy Hải và Đảng bộ xã Duy Trinh đạt giải khuyến khích. Về giải cá nhân, ban tổ chức trao giải nhất cho Đảng viên Võ Hoàng Quốc-đảng bộ công an huyện Duy Xuyên; 2 giải nhì cho Nguyễn Thị Mỹ Lập-đảng bộ xã Duy Hòa và Phan Thị Lý-Ban đại diện Hội người cao tuổi huyện; 3 giải 3 cho Huỳnh thị Thu Thủy-đảng bộ xã Duy Trinh, Nguyễn Thị Quỳnh My-đảng bộ Ban quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn và Lê Văn Trung-đảng bộ xã Duy Hải và 5 giải khuyến khích cho 5 cá nhân khác.
Thí sinh Phan Thị Lý-cán bộ Ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện Duy Xuyên, đạt giải Nhì cuộc thi bày tỏ: “Qua cuộc thi, bản thân đã được học tập, trau dồi thêm những kiến thức, có thêm hiểu biết, cảm nhận của bản thân về lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ huyện, các mốc lịch sử và hoạt động nổi bật của Đảng bộ huyện qua các thời kỳ, về những cống hiến, hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước để chúng ta được sống trong hoà bình, tự do và hạnh phúc như ngày hôm nay. Từ đó, ý thức sâu sắc hơn về vai trò, nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên tiếp tục phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, nỗ lực phấn đấu để góp sức xây dựng quê hương Duy Xuyên ngày càng đổi mới, phát triển đi lên”.
Ông Huỳnh Tấn Thành- Phó Ban Tuyên giáo huyện ủy Duy Xuyên khẳng định: “Có thể khẳng định, cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện Duy Xuyên giai đoạn 1930-2015” lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn huyện song đã để lại những dấu ấn, thành công nhất định, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và tạo sức lan toả trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân trong huyện”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì cuộc thi vẫn còn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm đó là: Với mong muốn thông qua cuộc thi này là cơ hội để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, hội đoàn viên sinh sống, học tập, công tác trên địa bàn huyện đọc, nghiên cứu kỹ hơn về lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân từ năm 1930 đến năm 2015, đồng thời tránh tình trạng sao chép nguyên gợi ý đáp án trong bài dự thi nên Ban Tổ chức cuộc thi thống nhất không ban hành gợi ý đáp án các câu hỏi đề ra. Cùng với đó là các mốc thời gian diễn ra các lần Đại hội của Đảng bộ huyện từ năm 1930 đến nay trong các tập lịch sử của huyện chưa có sự thống nên đã tạo những khó khăn nhất định cho người tham gia dự thi khi trả lời câu hỏi số 2 trong 5 câu hỏi mà ban tổ chức cuộc thi đã đề ra.
Một số tổ chức cơ sở đảng chưa nhận thấy ý nghĩa sâu sắc của cuộc thi nên chưa quan tâm tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia dự thi, có 2/18 đảng bộ và 34/48 chi bộ không có bài dự thi. Việc quán triệt các nội dung, thể lệ cuộc thi ở một vài đơn vị chưa sâu sắc nên một số bài tham gia dự thi còn mang tính hình thức, đối phó dẫn đến chất lượng chưa cao. Về mặt hình thức, nhiều bài viết mắc khá nhiều lỗi (dùng từ, diễn đạt, chính tả, dấu chấm câu, canh lề, phông chữ...); hình ảnh minh họa chưa phong phú, đôi chỗ chưa phù hợp với chi tiết nội dung và nhiều bài dự thi của một vài đơn vị còn giống nhau nên chất lượng chung của bài dự thi trên toàn huyện không đồng đều giữa các địa phương, đơn vị./.
Thái Hằng