Những ngày Tết, lượng khách đi đò tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Và theo đó, những người lái đò cũng vất vả hơn. Dù vậy, họ cũng cảm thấy vui, bởi họ đã chở theo cả mùa xuân yêu thương trên mỗi chuyến đò…
|
Vào chiều muộn, đôi bờ Kiểm Lâm - Giao Thủy vẫn tấp nập người đi đò. |
Vui cùng khách du xuân
Những ngày Tết Giáp Ngọ, khắp các tuyến đường trong tỉnh tấp nập người du xuân. Tại các bến đò ngang ven bờ sông Thu Bồn cũng rộn ràng không kém. Trong số các bến đò thuộc địa phận các huyện phía bắc Quảng Nam, hai bến đò Kiểm Lâm (Duy Hòa, Duy Xuyên) và Giao Thủy (Đại Hòa, Đại Lộc) là nhộn nhịp nhất. Ngày thường, bến đò Kiểm Lâm và Giao Thủy có 6 chiếc thuyền chở khách sang sông. Vào những ngày Tết, do lượng khách tăng cao nên người quản lý bến đã tăng cường thêm một chiếc thuyền nữa. Từ tờ mờ sáng cho đến tận hơn 10 giờ đêm, lúc nào các chuyến đò cũng đầy ắp người và xe máy, xe đạp. Có mặt tại bến đò Kiểm Lâm lúc chiều mồng 3 Tết, chúng tôi thấy có hai chiếc thuyền đang đậu ở bến đã đầy khách chuẩn bị nhổ neo, trên bờ còn hơn 30 người đang chờ chuyến đò sau. Trung bình cứ khoảng 3 phút lại có một chiếc đò rời bến sang bờ bên kia.
Ông Phạm Thăng Long (1958, thôn Phú Lạc, Duy Hòa, Duy Xuyên, chủ bến đò ngang Kiểm Lâm) cho biết, những ngày Tết lượng khách qua lại tăng gấp ba lần ngày thường. Riêng trong ngày mồng ba, 7 chiếc thuyền đã thực hiện hơn 700 chuyến đò qua lại sông Thu Bồn giữa hai bờ Kiểm Lâm và Giao Thủy. Với khoảng 15 người mỗi chuyến, trong ngày mồng 3 Tết có khoảng 10 ngàn lượt người qua lại hai bến đò này. Đó là chưa kể khoảng 7 ngàn chiếc xe máy, xe đạp.
Quan sát các bến đò chúng tôi nhận thấy việc bố trí bến bãi, cầu dẫn lên thuyền cũng như việc thu tiền cước hợp lý hơn những năm trước rất nhiều. Người đi xe máy có thể chạy thẳng xe lên thuyền. Ở mỗi bến có người thay phiên nhau thu tiền cước, có người chuyên trách sắp xếp, hướng dẫn hành khách và xe máy lên thuyền, vừa đủ tải trọng, không chen lấn. Dù là ngày Tết nhưng tiền cước vẫn được thu theo mức quy định cho ngày thường, không có hiện tượng “chặt chém”. Chủ đò lẫn hành khách đều vui vẻ, thân thiện. Mọi người còn tận dụng thời gian ngắn ngủi trên đò để thăm hỏi, kể chuyện ngày xuân hoặc gửi nhau lời chúc mừng năm mới. Bà Hồ Thị Thiều (1956, thôn 4, Duy Hòa, Duy Xuyên), người có thâm niên 25 năm phục vụ tại bến đò Kiểm Lâm cho biết, dù công việc lái đò trong những ngày Tết có vất vả nhưng bà rất vui vì đưa được nhiều người sang sông để du xuân, thăm viếng họ hàng, bạn bè. Bà bảo, bà lái đò 3 ngày Tết thì cũng như đã đi chơi Tết, vì bà gặp gỡ rất nhiều người và nhận được nhiều niềm vui từ những chuyến đò ngày xuân này…
Chòng chành nỗi lo
Cũng như tại nhiều bến đò ngang khác trong tỉnh, khách đi đò tại bến này không ai mặc áo phao. Ông Phạm Thăng Long cho biết, những chiếc thuyền phục vụ đò ngang tại đôi bến này đều có trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh theo quy định. Tuy nhiên hầu hết khách đi đò đều không muốn mặc, nên nhà đò đành dồn chúng vào một góc rồi buộc chặt lại để tránh rơi rớt. Chính vì khách không mặc áo phao nên nhà đò lúc nào cũng lo lắng nếu lỡ xảy ra sự cố không may, nhất là vào mùa có gió lốc hoặc vào mùa mưa, nước sông dâng cao, chảy xiết, hiểm họa thật khó lường.
|
Hành khách không mặc áo phao, nhiều người đội nguyên nón bảo hiểm khi đi đò. |
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về việc đưa đò ngày Tết, ông Phạm Thăng Long bộc bạch: “Dù đây là công việc để kiếm sống nhưng tôi rất muốn nhà nước sớm đầu tư xây cầu bắc qua đoạn sông này để người dân thuận tiện qua lại”. Còn bà Hồ Thị Thiều thì thành thật chia sẻ: “Nếu có cây cầu thì người dân hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc đỡ vất vả hơn. Lợi ích của nhóm thuyền đò chúng tôi không thể so sánh được với cuộc sống, sinh hoạt và cả tính mạng của hàng vạn người dân sống hai bên bờ sông này…”.
Theo Báo Quảng Nam.