Hành trình của những giọt nước mắm không chỉ là chuỗi dài ngày tháng chưng cất...
Bán mắm trở thành nghề
Hơn 30 năm, bà Nguyễn Thị Bảy (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) gắn bó với nghề bán nước mắm truyền thống. Ảnh: LÊ CÔNG Mỗi chiều, bà Nguyễn Thị Bảy (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) lại tất tả đến lò mắm quen, với chiếc xe lỉnh kỉnh chai lọ chờ lấy mắm. Chừng ba mươi năm, mắm từ cái lò nhỏ ở xã Duy Hải ấy theo chân bà Bảy đi khắp các chợ Bàn Thạch, Thanh Hà, ngược lên Nam Phước rồi rong ruổi khắp vùng thôn quê Duy Xuyên, Hội An, Điện Bàn. Từ những ngày đầu với đôi quang gánh theo đò dọc, rồi đạp xe chở mắm rao từng nhà, từng ngõ, thứ mắm quê trở thành quen đến độ chủ vắng nhà vẫn dặn chừng bà đem mắm vô bỏ tận bếp, tới bận sau mới quay lại lấy tiền. Hành trang mấy chục năm, vẫn vậy với toàn chai lọ nước mắm. Chỉ khác ngày trước, là đôi quang gánh cũ được thay bằng hai sọt tre đan cột chặt sau chiếc xe gắn máy cũ, phần nào bớt đi những nhọc nhằn của bà Bảy. “Mấy buổi đầu đi bán, một ngày gánh cả mấy chục cây số lên tới Nam Phước, qua đến Điện Ngọc, nhưng chỉ bán được có năm ba lít, đủ để trả tiền đò. Đi miết rồi quen, người ta ăn mắm mình dần thành ghiền, tháng nào cũng nhất quyết chờ mình lên bỏ mắm. Nhờ rứa mới có mối, bán được, năm đứa con cũng bu gánh mắm mà lớn” - bà Bảy cười. Mấy chục năm bán mắm, gọn lại trong ba câu. Lãi là năm đứa con bà kể. Con trai út nay cũng đã đề huề vợ con, nhưng bà không bỏ nghề. Thứ nước mắm quê nồng mùi, nồng vị trở thành kế sinh nhai cho người đàn bà với năm đứa con, khi ông chồng chẳng may vắn số. Nên, với bà nó là nghiệp, cho tới tận bây giờ.
Ở vùng quê Duy Nghĩa, Duy Hải này, bà Bảy chỉ là một trong số rất nhiều người đàn bà mà cả cuộc đời gắn với mắm quê. Họ lấy mắm từ các lò truyền thống, ngày chừng vài chục lít, phân theo loại một, loại hai, rồi chở đến chợ bỏ mối lẫn bán lẻ cho từng nhà. Một người anh đồng nghiệp quê vùng này kể, trước kia ở đây bán mắm có lúc được xem là một nghề, lúc thịnh. Đò dọc mỗi sáng chen chúc những thùng, những can nước mắm. Nhiều người buôn nước mắm lên tận thượng nguồn, đánh chuyến hai ba ngày mới về lại. Biết bao đứa trẻ lớn lên, theo mẹ đi đẩy xe bán mắm, nghe mùi mắm đến độ ghiền... Giờ vẫn vậy. Và, đi bán mắm đã thành một nghề.
Phải thật thà với người mua
Cầu Cửa Đại xây xong, mấy chiếc đò dọc đò ngang lên bờ nằm, nhưng lò mắm vẫn sống được, nhờ “tập đoàn” xe hai sọt như bà Bảy. Sống được, dù không còn thịnh bằng dạo trước, vì nước mắm quê không thể cạnh tranh về giá cả, nhãn mác với nước mắm công nghiệp. Vui buồn nhiều quá, giờ ở nhà cũng không đành. Hơn nữa, chừng mươi ngày gió bão không đi bán là đã có không ít nhà ngóng, thành thử những vòng xe cứ mải mê chở mắm len lỏi khắp thôn quê, đến từng căn bếp. Tính sơ sơ riêng bà Bảy, chỉ ở quanh trong vùng mỗi ngày đã bán trên dưới 40 lít nước mắm.
Những người bán mắm chia sẻ với chúng tôi rằng, để bán được mắm quê, cách duy nhất là thật thà với người mua. Mắm loại một thì mình nói loại một, bán loại một. Không trộn lẫn, không pha chế, không lừa lọc. Người ăn mắm quê đã ít, mà bán mắm dở nói thành mắm ngon, bảo đảm ba bữa họ bỏ không ăn nữa. Cả đời sống nhờ gánh mắm, dân họ không mua thì lấy chi mà sống. Mấy chục năm nay, mắm quê đến chừ vẫn có người mua là nhờ rứa.
Từ dạo nước mắm công nghiệp tràn lan thị trường, mắm quê thành ra lao đao vì cạnh tranh không nổi. Mắm công nghiệp giá cả rẻ hơn, bao bì bắt mắt hơn, lại vừa khẩu vị chứ không mặn mòi kiểu mắm truyền thống. Những người buôn mắm chịu thiệt, cùng với lò mắm. Nhưng mắm quê vẫn có chỗ đứng, vẫn nhiều người thích cái vị mặn đậm đà ấy. Chưa kể, giữa trùng trùng thực phẩm bẩn, trào lưu quay về quê tìm thực phẩm sạch, trong đó có nước mắm, giúp những người như bà Bảy sống được với nghề. Nhiều tiểu thương vẫn đều đặn lấy nước mắm từ bà Bảy bán lẻ lại cho bà con. Mấy mối quen dăm ba hôm hết nước mắm lại gọi điện thoại nhờ bà đem lên tận nhà. Gần đây, số lượng người mua nước mắm truyền thống tăng dần, những người đàn bà “hai sọt” như bà Bảy nhờ đó mà thêm việc. Họ sống nhờ nước mắm. Nhưng suy cho cùng thì nước mắm truyền thống cũng nhờ những người như họ - không lọc lừa, không hám lợi - mà bán được, sống được trong niềm tin của những người vẫn mua nước mắm quê cho mỗi bữa ăn của gia đình.
(PH. GIANG - S. ANH)