Thời gian qua, cán bộ và hội viên phụ nữ ở xã Duy Phước (Duy Xuyên) tích cực giúp nhau phát triển mạnh kinh tế hộ để vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới...
Tặng sinh kế để những hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện phát triển mạnh sản xuất. Ảnh: H.NHI
Trước đây, ở thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước) nhiều người biết và cảm thương với hoàn cảnh của chị Lê Thị Kim Ánh. Chị đơn thân nuôi 3 con nhỏ, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Năm 2011 trở về trước, mọi khoản chi tiêu trong gia đình chị đều trông chờ vào mấy sào ruộng lúa và tiền công đi làm thuê. Thấy thu nhập quá bấp bênh, sức khỏe lại không đảm bảo nên 5 năm gần đây chị chuyển hướng sang chăn nuôi heo nái sinh sản kết hợp với nuôi heo thịt. Cứ sau 3 - 4 tháng, chị xuất bán một lứa khoảng 20 con heo thịt. Bên cạnh đó, chị cải tạo khu đất vườn rồi trồng các loại rau xanh và làm 3 giàn mướp, bí đỏ, khổ qua để thu hái sản phẩm đưa lên chợ Nam Phước bán. Cách đây không lâu, chị Ánh mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên để mở rộng hệ thống chuồng trại nhằm tăng quy mô đàn heo và nuôi bò nái sinh sản. Chị Ánh bày tỏ: “Nhờ đầu tư trồng nhiều loại rau màu và phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi gia súc nên bình quân mỗi năm tôi lãi ròng hơn 40 triệu đồng. Hiện nay, tôi trả gần hết nợ cho ngân hàng nhưng điều khiến tôi mừng nhất là cả 3 đứa con đều được học hành đàng hoàng, trong đó một đứa đã tốt nghiệp đại học và sau khi ra trường tìm được việc làm ổn định. Thấy gia cảnh mình tương đối khá hơn trước nên cách đây 2 năm tôi tự nguyện viết đơn đăng ký thoát nghèo”.
Bà Huỳnh Thị Thắm – Chủ tịch Hội LHPN xã Duy Phước cho biết, thời gian qua các cấp hội tập trung đổi mới phương thức hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế bằng việc tổ chức nhiều khóa tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Cạnh đó, phối hợp với các ngành liên quan mở một số lớp đào tạo nghề như may công nghiệp, sản xuất những mặt hàng mỹ nghệ, chăn nuôi – thú y, trồng nấm rơm và rau sạch. Mặt khác, Hội LHPN xã còn xúc tiến thành lập tổ hợp tác mây tre đan, tổ hợp tác sản xuất rau sạch với khoảng 50 thành viên tham gia có mức thu nhập 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, Hội LHPN xã thường xuyên tổ chức diễn đàn để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên và đã tiến hành hỗ trợ sinh kế cho 14 phụ nữ nghèo như máy xay bột, heo giống, tủ và bàn ghế bán mỳ Quảng, mở quán bán nước giải khát...
Theo thống kê, từ năm 2012 đến thời điểm này đã có 1.062 lượt phụ nữ làm chủ hộ ở xã Duy Phước được các cấp hội hỗ trợ phát triển kinh tế, trong đó có 277 hộ thoát nghèo, góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,94% hồi cuối năm 2011 xuống còn 4,92% vào tháng 10.2016. Bà Huỳnh Thị Thắm chia sẻ: “Cùng với việc giúp nhau phát triển kinh tế hộ, những năm qua Hội LHPN xã còn vận động hội viên tham gia hiến hàng nghìn mét vuông đất vườn, dỡ bỏ rất nhiều tường rào cổng ngõ để tạo điều kiện cho việc thi công các tuyến giao thông nông thôn… Bằng nhiều việc làm thiết thực, cán bộ và hội viên phụ nữ xã Duy Phước đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới”.
HOÀI NHI