Giúp dân sửa nhà, dạy trẻ em viết chữ đẹp, phòng chống xâm hại tình dục, tuyên truyền bảo vệ môi trường… là những hoạt động thiết thực trong hành trình “Tình nguyện hè 2019” của các sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) đang diễn ra tại xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên.
Đoàn sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tại xã Duy Phước. Ảnh: K.L
Hoạt động thiết thực
Hơn một tuần nay nhà bà Huỳnh Thị Ba (tổ 9, thôn Triều Châu, xã Duy Phước, Duy Xuyên) lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười của nhiều bạn trẻ. Họ là các sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đến phụ giúp bà Ba sửa lại căn nhà. Những bức tường cũ kỹ bỗng trở nên sáng sủa, khoảnh sân bụi bặm trước nhà cũng sạch sẽ bắt mắt hẳn lên. “Quý hóa lắm, nếu không có mấy cháu giúp đỡ thì tôi chẳng biết phải làm sao” - bà Ba xúc động nói.
Nhà bà Ba thuộc gia đình chính sách, lại neo đơn, vừa rồi được xã Duy Phước hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa sang lại nhà cửa. Dù vậy, với số tiền trên bà Ba không đủ để kêu công, chưa kể nếu có thuê cũng chưa chắc tìm ra người làm. Rất may là đoàn tình nguyện “Mùa hè xanh” của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đến hỗ trợ gia đình. Bình quân, mỗi ngày có 5 – 10 sinh viên đến phụ giúp, lúc cao điểm gần 20 người, công việc chủ yếu của các bạn là trộn hồ, dầm nền, lợp tôn, dọn dẹp, sơn quét lại tường nhà…
Theo bạn Nguyễn Trương Huy (sinh viên năm tư ngành công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng), dù hầu hết sinh viên chưa bao giờ làm những công việc nặng nhọc hay phơi nắng, tuy nhiên được tham gia giúp bà con ai cũng vui, vì cảm nhận được việc mình làm có ý nghĩa thiết thực.
“Nhiều lần chủ nhà mua đồ ăn nửa buổi tụi em đều từ chối, vì thấy họ khổ quá. Thật sự, bà con trong làng rất tốt, ai cũng gần gũi, đôn hậu coi chúng em như con cháu trong nhà, ngày nào cũng có người mang rau quả, trứng gà, vịt đến cho” - Huy kể. Đây là năm thứ hai Huy tham gia chương trình “Mùa hè xanh” tình nguyện tại xã Duy Phước. Năm trước Huy đã cùng các bạn tham gia đổ hơn 100m đường bê tông trong làng và nạo vét kênh mương nội đồng.
Ông Trần Văn Giác – Bí thư Đoàn xã Duy Phước cho biết, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tổ chức chương trình tình nguyện hè về địa phương là rất đáng quý, do vậy địa phương luôn tạo mọi điều kiện cho đoàn, nhất là chỗ ở cho sinh viên để các bạn yên tâm triển khai các hoạt động của mình.
Rèn luyện kỹ năng sống
Bà Lê Thị Lâm - cán bộ Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, đây là lần thứ hai trường đưa sinh viên tình nguyện về Duy Phước. Năm nay, số lượng sinh viên đông hơn với 65 người, chủ yếu tập trung triển khai các mô hình thực tế như dạy học sinh viết chữ đẹp, phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, sửa nhà cho dân… Thiết thực nhất chính là mô hình phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ em, bởi không chỉ tập huấn cho trẻ em cách phòng ngừa bị xâm phạm tình dục, chương trình còn tập trung xây dựng các nhóm nòng cốt là thanh niên đoàn viên, trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, xâm hại trẻ em như nhận diện nguy cơ xâm hại tình dục, tự vệ trước tình huống nguy hiểm, tìm kiếm sự hỗ trợ… Đến nay, chương trình đã thu hút được khoảng 25 đoàn viên thanh niên các thôn trong xã. Đây sẽ là những cánh tay nối dài lan tỏa ra cộng đồng.
“Với sức trẻ, chúng tôi muốn đóng góp cho cộng đồng, đó không chỉ là những đóng góp về vật chất hay hiện vật mà là nâng cao kiến thức cộng đồng về các vấn đề xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhất là trẻ em và các đoàn viên thanh niên” - bà Lâm chia sẻ.
Anh Trương Trung Phương - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, hoạt động tình nguyện tại xã Duy Phước diễn ra từ ngày 2.7 và kết thúc ngày 12.7. Ngoài xã Duy Phước, năm nay trường cũng tổ chức đội tình nguyện về Tây Giang với 40 bạn nhằm hỗ trợ người dân xây dựng nông thôn mới, tập huấn các kỹ năng cho học sinh, xây dựng khu vui chơi cho trẻ em…
“Các bạn tham gia chương trình không chỉ chia sẻ với cộng đồng những khó khăn, mà còn được bà con chia sẻ lại những vấn đề trong cuộc sống. Qua đó, giúp sinh viên biết thêm những vấn đề mà xã hội đang cần mà sinh viên có thể hỗ trợ được. Chưa kể, trước khi tham gia các bạn sẽ được tập huấn những kinh nghiệm kỹ năng thiết yếu nhằm hỗ trợ tốt nhất cho bà con, đồng thời cũng nâng cao được trình độ chuyên môn, kỹ năng của mình. Vì vậy, chúng tôi cho rằng hoạt động tình nguyện luôn mang ý nghĩa thiết thực và lan tỏa” - anh Phương nói.
KHÁNH LINH