A+ A A-

Quyết ra khỏi diện nghèo

        Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 119 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015, công tác giảm nghèo ở huyện Duy Xuyên đã có nhiều bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

       Đăng ký thoát nghèo

      Vợ mất sớm, phải nuôi 3 đứa con ăn học nên cuộc sống của gia đình anh Trần Văn Hưng ở thôn Tây Thành (xã Duy Nghĩa) lâm vào cảnh túng quẫn triền miên. Cách đây hơn 3 năm, nhờ chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện, anh Hưng được vay ưu đãi 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên. Với số tiền ấy, anh mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò và heo theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, bình quân mỗi năm thu mức lãi ròng 30 - 40 triệu đồng. “Của để dành không có, lại ở trên vùng cát bỏng rát này nên tôi thấy làm cái gì cũng rất khó. May mắn được vay vốn làm ăn chứ không thì tôi chẳng biết xoay xở thế nào. Bây giờ, cuộc sống gia đình đã khá hơn trước nhiều, nhà cửa kiên cố, con cái học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy, tôi tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện nghèo” - anh Hưng chia sẻ. Ngay sau khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, gia đình anh Hưng được Nhà nước tặng 5 triệu đồng tiền thưởng, thẻ bảo hiểm y tế, tiếp tục cho vay vốn ưu đãi và hỗ trợ một phần học phí.

Nghị quyết số 119 giúp nhiều hộ dân ở Duy Xuyên thoát nghèo bền vững. Ảnh: HOÀI NHI

        Không riêng gì anh Hưng, trong 2 năm 2014 - 2015 toàn xã vùng cát Duy Nghĩa có 32 hộ dân đăng ký thoát nghèo bền vững. Tất cả hộ này đều được hưởng đầy đủ những chế độ tặng thưởng theo quy định. Thực tế cho thấy, hiện nay số hộ dân vừa nêu không có nguy cơ tái nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã xuống còn 9% vào cuối năm 2015. Bà Nguyễn Thị Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa nói: “Thực hiện Nghị quyết số 119 của HĐND tỉnh, thời gian qua địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo. Đồng thời cùng nhau bàn bạc, thảo luận để chọn hướng đầu tư phát triển kinh tế hộ một cách hiệu quả cũng như nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có cách hỗ trợ phù hợp”.

        Phát huy thế mạnh của địa phương, thời gian qua chính quyền xã Duy Nghĩa đã tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến hải sản tại thôn Thuận An đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, thu hút nhiều lao động trong vùng vào làm việc. Không chỉ vậy, xã cũng phối hợp với ngành chuyên môn ở huyện tập trung hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp như trồng rau an toàn, chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi heo siêu nạc đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, 2 năm nay những đơn vị liên quan đã lập thủ tục cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi với tổng số tiền xấp xỉ 6,2 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo đã và đang giảm rất nhanh...

     Thôn cũng quyết tâm…

Theo ông Văn Phú Đợi - Phó phòng LĐ-TB&XH Duy Xuyên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 119 có bộc lộ một số bất cập. Đó là việc hỗ trợ tiền ăn, chi phí học tập đối với học sinh phổ thông các cấp gặp nhiều khó khăn. Vì hiện nay theo hướng dẫn tại Công văn số 1060 của Sở GD-ĐT thì hộ gia đình phải xác lập cùng lúc 2 hồ sơ, trong đó 1 hồ sơ miễn giảm học phí nộp tại trường và 1 hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí học tập có xác nhận của nhà trường gửi về xã tổng hợp, rồi báo cáo lên huyện. Quy trình này khá phức tạp, tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, vấn đề xác nhận của các trường cao đẳng, đại học cho sinh viên thuộc diện con của những hộ thoát nghèo cũng trở ngại vì chính sách này chỉ thực hiện ở Quảng Nam. Đặc biệt, thực tế cho thấy, thời gian qua các hộ nghèo không vay được vốn ở những ngân hàng thương mại do họ không có tài sản thế chấp.

     Tại xã miền núi Duy Phú, mấy năm gần đây tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 5 thôn cũng liên tục giảm. Ông Trần Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, nếu đầu năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm hơn 13% thì dự kiến đến cuối năm nay sẽ xuống còn dưới 7%. Theo ông Hải, có được thành công trên là nhờ các ngành liên quan của địa phương phối hợp tổ chức tốt những lớp tư vấn học nghề, tìm kiếm việc làm cho người lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoài xã. Bên cạnh đó, vận động nhân dân đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là ứng dụng rộng rãi các gói kỹ thuật mới trong việc xây dựng mô hình trồng tiêu chuyên canh trên những khu đất gò đồi.

      Đáng chú ý là thời gian qua một số thôn trên địa bàn huyện Duy Xuyên cũng đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo, điển hình như thôn Đông Bình của xã Duy Vinh. Ông Huỳnh Ngọc Tuấn – Bí thư Chi bộ thôn Đông Bình cho biết, do nằm ở địa bàn bốn bề sông nước, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên trước đây tỷ lệ hộ nghèo của thôn tương đối cao. Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 119 của HĐND tỉnh đến nay, nhân dân trong thôn tăng cường tinh thần đoàn kết, nỗ lực giúp nhau phát triển kinh tế hộ, quyết tâm ra khỏi danh sách các thôn nghèo của huyện. “Tính đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo ở thôn Đông Bình chỉ còn 24%, giảm 9,3% so với hồi cuối năm 2013. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 15,5 triệu đồng, tăng 4 triệu đồng so với năm ngoái” - ông Tuấn nói.

      Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Phú Đợi – Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Duy Xuyên cho biết, 2 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 119 của HĐND tỉnh, toàn huyện có 269 hộ dân đăng ký thoát nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ về tiền thưởng của Nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng. Đặc biệt có 2 thôn đăng ký thoát nghèo là thôn Đông Bình ở xã Duy Vinh và thôn Nhơn Bồi thuộc xã Duy Thành.

HOÀI NHI

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19820811
Hôm nay
Hôm qua
3373
12811