A+ A A-

"Thương hiệu" Duy Sơn 2

alt
Sự gắn kết cộng đồng từ hơn 500 năm trước đã không thôi tạo nên dòng chảy từ quá khứ tới tương lai để hôm nay Duy Sơn 2 làm nên những kì tích và nhận cờ thi đua của Chính phủ.
 1. Danh xưng “Nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, thứ ba Tú Tràng” trong “Quảng Nam tam đại xã” đã dựng lại một Duy Sơn 2 đầy “tham vọng” kể từ ngày thống nhất đất nước. Mảnh đất nghèo khó này được cả nước biết đến bằng việc xây dựng nên một công trình thủy điện, mang nước về đồng, dẫn điện vào từng hộ dân và bán cả điện cho nhà nước và cho dân xài nước sạch kiểu thành phố. Một cuộc đổi đời cho làng quê theo những cách thức độc đáo, có đủ điện, đường, trường, trạm, tưởng chừng như chỉ hiện diện trong những câu chuyện cổ tích. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng đánh giá số lượng hợp tác xã (HTX) thực sự như Duy Sơn 2 không nhiều. Tinh thần tự cường chính là yếu tố hàng đầu trong phong trào phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng một nông thôn mới kiểu mẫu.

Thế nhưng, sau những vinh danh ấy là chuyện vẫn phải “đau đầu” lo toan từng ngày về sự thành bại của HTX. Duy Sơn 2 - HTX anh hùng vốn nổi tiếng cả nước như một tượng đài về vùng nông thôn công nghiệp “hoành tráng”, ước mơ của bao địa phương đã phải liêu xiêu trong khủng hoảng. May mặc, giày da đóng cửa, mây tre cầm chừng… Không còn giày da, may mặc, Duy Sơn 2 còn gì? Một lần nữa, HTX đã đi đến quyết định cụ thể là chuyển đổi lĩnh vực khó khăn, tiếp tục đầu tư những ngành nghề làm ăn có lãi để HTX phát triển và có đủ điều kiện phục vụ an sinh xã hội cho các thành viên. Sản xuất điện năng, kinh doanh nước sạch là lựa chọn hàng đầu. Ông Phạm Văn Du - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Duy Sơn 2 nói, HTX đã có thương hiệu từ lâu, nhưng thời cơ chế thị trường, Duy Sơn 2 đã bung quá sớm nên những thế mạnh thiếu vững chắc. Duy Sơn 2 đang chuyển mình trở lại và thực hiện đúng thương hiệu của nó là phục vụ cho thành viên HTX.

Dừng hay khoanh, chuyển những cơ sở xí nghiệp thua lỗ trước đây chỉ làm cho Duy Sơn 2 mạnh hơn chứ không phải yếu hơn. Nhà máy thủy điện phát huy hiệu quả, tiếp tục sinh lãi, năm 2013, sản xuất từ 2,5 - 3  triệu kWh, doanh thu đạt 3 tỷ đồng. Hiện HTX đã hoàn thiện hệ thống tổ máy thứ ba với công suất 1.000kW hòa chung lưới điện quốc gia để phát huy tối đa công suất trong mùa mưa. Tổng doanh thu điện thương phẩm 6,440 tỷ đồng với 5,231 triệu kWh. Duy Sơn 2 là HTX đầu tiên của Quảng Nam được nhà nước giao toàn bộ lưới điện trung, hạ thế đầu tư từ nguồn ODA và nguồn vốn vay của WB. Còn kinh doanh nước sạch bảo đảm cung cấp cho 700 hộ thành viên và sẽ mở rộng thêm để phục vụ cho hơn 400 hộ dân khác. Kết quả của sự thay đổi này là đồng vốn của HTX được bảo toàn sinh lợi. “An sinh xã hội tiếp tục bảo đảm, hàng trăm triệu đồng đã được trích để thực hiện công tác phúc lợi tập thể và cộng đồng xã viên, thực hiện bảo hiểm tai nạn 100% cho xã viên 24/24 giờ. Các ngành nghề HTX đều tăng từ 7 - 22%, doanh thu 10 tỷ đồng. Chia lãi vốn góp cho xã viên mức cao hơn lãi suất ngân hàng với 120 triệu đồng cho thành viên năm 2013” - ông Du nói.

2. “Thà khép, bóp nhỏ co lại để sống còn hơn mở rộng để chết”. Triết lý này như một định thức theo từng bước chuyển mình của Duy Sơn 2. Năm 2012, Luật HTX ra đời và tháng 9.2013 Duy Sơn 2 là HTX đầu tiên của Quảng Nam tổ chức đại hội chuyển đổi theo luật mới, hy vọng sẽ lại định danh được “thương hiệu” Duy Sơn 2. Ông Du nói, HTX đã hình thành trên nền của 2.100 xã viên nông nghiệp và gần 576,43ha đất sản xuất nông nghiệp thì thương hiệu Duy Sơn 2 phải quay trở về với nông nghiệp. Và gạo là một lựa chọn. HTX đã xây dựng cánh đồng mẫu để hỗ trợ sản xuất lương thực trở thành hàng hóa. Cũng theo ông Du, xã viên nông nghiệp nhận được sự phục vụ của HTX từ thủy lợi, giống, các loại vật tư chủ yếu, chăn nuôi thú y… nên không hề dịch bệnh; gia súc, gia cầm phát triển và bình ổn lương thực. HTX cũng vừa xây dựng thí điểm bảo vệ thực vật và diệt chuột cho cây lúa trên diện tích gần 70ha từ vụ đông xuân 2013 - 2014, phát triển cơ sở sản xuất nấm rơm, nấm bào ngư, duy trì sản xuất giống nguyên chủng trên 20ha. Đối với hộ thành viên nông nghiệp ổn định bình quân lương thực 650kg thóc/người/năm và 650 nghìn đồng/người/tháng giá trị thu nhập thêm từ công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Lao động trực tiếp trong các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng (có ngành hơn 3 triệu đồng/người/tháng). Ngoài ra, HTX cũng đã liên kết, liên doanh giữ ổn định sản xuất, hoàn thành khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phục vụ cho 3 xã Duy Sơn, Duy Trung và Duy Trinh; tạo nguồn thu nhập, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động nông thôn vào làm việc tập trung và phân tán ở các ngành nghề mây tre đan, điện, thủy nông, bảo vệ thực vật, nước sạch, nước đóng chai.

Theo ông Du, lương dân hay giáo dân ở Duy Sơn 2 đều nỗ lực cho HTX mang khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất khó và thử thách khắc nghiệt của thị trường. Trăn trở hiện tại của HTX là chưa thể tìm ra giống lúa chuẩn, ngon cho người nông dân làm ra gạo thương phẩm, vì vậy lúa sản xuất hàng hóa hiện chưa phát triển mạnh được và nông nghiệp vụ hè thu vẫn không thể chủ động nước, dù đã bỏ ra hàng chục triệu đồng mua máy bơm chống hạn cứu lúa. “Điều mong chờ của HTX là tất cả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là về kinh tế hợp tác phải được thực thi nhất quán, đồng bộ từ trên xuống dưới, thực sự đi vào cuộc sống” - ông Du nói.

NHẬT PHONG

;

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19815692
Hôm nay
Hôm qua
11065
8748