Các xã vùng đông Duy Xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các dự án lớn triển khai đầu tư gần đây đang lúng túng trong việc giải quyết chính sách thu hồi đất, hiện tiến độ bàn giao mặt bằng chậm do nhiều vướng mắc.
Nghịch lý bồi thường
Các khu tái định cư ở vùng đông Duy Xuyên còn dở dang về hạ tầng. Ảnh: T.HỮU
Cuối năm 2015, khi công bố dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An thì hàng chục hộ dân ở xã Duy Hải đã lén lút xây dựng, cơi nới nhà cửa, buộc chính quyền phải huy động lực lượng xử lý kịp thời. Tình hình quản lý hiện trạng tại địa phương bây giờ tạm thời yên ắng. Thời gian qua, ở vùng đông của huyện Duy Xuyên với sự có mặt của nhiều dự án như dự án sắp xếp dân cư, phòng tránh thiên tai vùng ven biển Quảng Nam, xây dựng khu dân cư làng chài Duy Nghĩa, dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, dự án cầu Cửa Đại và đường dẫn... khiến công tác giải phóng mặt bằng thêm nhiều áp lực. Ông Huỳnh Bửu - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai (cơ quan làm công tác kiểm kê, áp giá bồi thường) thông tin, thời điểm này nhà đầu tư rất cần mặt bằng sạch để tiến hành xây dựng.
Những ngôi nhà tái định cư xây dựng tại làng chài Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên.
Trong số 2,5ha đất cần bàn giao cho nhà đầu tư thì có 13 hộ tại thôn Tây Sơn Tây và Tây Sơn Đông (xã Duy Hải) không chịu nhận tiền, bàn giao mặt bằng để thi công. Đa số người dân đưa ra lý do mức bồi thường - hỗ trợ (BT-HT) thấp hơn so với thực tế. Cụ thể, giá BT nhà ở loại phổ biến của người dân 2 xã Duy Hải và Duy Nghĩa từ 1,8 đến 1,9 triệu đồng/m2, nhưng mức BT như vậy người dân khó xây nhà có quy mô tương tự. Tại xã Duy Nghĩa, cơ quan chức năng gặp lúng túng về giải quyết BT loại đất rừng do UBND huyện Duy Xuyên chưa ban hành quyết định công nhận hạn mức với các trường hợp cụ thể. Trong một địa bàn triển khai nhiều dự án khác nhau, với mức áp dụng BT-HT chênh lệch giá khá lớn cũng là yếu tố làm người dân khiếu nại, khiếu kiện.
Theo chính quyền huyện Duy Xuyên, hầu hết đất vườn ở các xã ven biển có diện tích khá lớn (trên 1.500m2) nhưng khi thực hiện xác định diện tích đất ở để BT theo quy định hiện hành (diện tích đất ở được BT không quá 5 lần hạn mức đất ở vùng nông thôn) và phần diện tích còn lại được BT theo mức giá đất vườn ao liền kề nên người dân không đồng thuận. Tại xã Duy Hải có 14 trường hợp sử dụng đất trước ngày 18.12.1980 nằm trong phạm vi dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đều không đồng ý nhận tiền theo quy định hiện hành nên ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, người dân cũng đang “kẹp” giữa vùng quy hoạch. Để thực hiện công tác quản lý các quy hoạch xây dựng tại vùng đông, cuối năm 2015 UBND tỉnh đã quy định từng khu vực cấp phép xây dựng có thời hạn. Khu vực quy hoạch khu nghỉ dưỡng Nam Hội An cũng đã phân vùng cụ thể, nhưng các khu vực khác còn lại nằm ngoài ranh giới quy hoạch 1.017ha ở vùng đông như quy hoạch chi tiết 1/500 khu tái định cư (TĐC) Nồi Rang, khu TĐC Lệ Sơn, khu TĐC Nam Hồng Triều, khu TĐC Duy Hải, khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch dịch vụ nam cầu Cửa Đại thì không được cấp phép xây dựng có thời hạn. Theo chính quyền các xã Duy Hải, Duy Nghĩa, cử tri rất bức xúc về việc nhà ở xuống cấp, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào nhưng không thể xây dựng, sửa chữa được.
Dở dang tái định cư
Để tháo gỡ khó khăn về đất TĐC đối với các dự án vùng đông, chính quyền tỉnh đã ban hành một số cơ chế linh hoạt theo hướng hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất đối với lô TĐC thứ nhất nếu giá đất ở BT thấp hơn giá đất ở TĐC trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở. Tuy nhiên, khi thực hiện quy hoạch xây dựng theo các dự án thì người dân không được tách thửa, chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hoặc trước đây đã chuyển nhượng, tách thửa nhưng chưa có điều kiện xây dựng nhà ở, khi thực hiện giải phóng mặt bằng dự án chỉ được BT-HT mà không được hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất TĐC như đối với lô TĐC thứ nhất. Nhiều hộ dân thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải) phân bua: “Giá đất BT cho chúng tôi quá thấp, chỉ hơn nửa số tiền mua lại đất TĐC thì làm sao nhận cho được. Khi chuyển đến nơi ở mới, người dân vừa mất đất sản xuất, không biết chuyển đổi ngành nghề gì để sinh sống, an cư lâu dài”.
Ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, tồn tại dai dẳng của địa phương là dở dang các khu TĐC. Đơn cử tại khu TĐC Duy Hải giai đoạn 1, hạ tầng tuyến đường giao thông kết nối từ đường Thanh niên ven biển vào khu TĐC quá tạm bợ. Nguồn nước ngầm người dân đang sử dụng bị nhiễm phèn nghiêm trọng, hệ thống thoát nước nội bộ, điện sinh hoạt, cây xanh ở khu TĐC đầu tư thiếu đồng bộ. Trong khi đó, tâm lý người dân gần như không muốn vào khu TĐC Lệ Sơn (xã Duy Nghĩa) do nằm sát khu nghĩa trang nhân dân xã Duy Nghĩa. Khu TĐC Nồi Rang dở dang các hạng mục đường, điện...
TRẦN HỮU