Những
năm qua, mặt trận các cấp ở huyện Duy Xuyên đã nỗ lực xây dựng nhiều mô hình
mới, cách làm hay, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tăng cường
khối đại đoàn kết toàn dân.
Hướng đến người nghèo
Cơ sở vật chất văn hóa ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: HOÀI NHI
Chúng tôi đến thăm gia đình ông
Nguyễn Cường ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh. Trong căn nhà còn thơm mùi vôi vữa,
ông Cường cho biết, được sự quan tâm của Mặt trận xã Duy Vinh và bà con hàng
xóm, ông xây dựng ngôi nhà mới có diện tích sử dụng 25m2. Tổng kinh phí đầu tư
hơn 50 triệu đồng, trong đó mặt trận xã hỗ trợ 30 triệu đồng. Ông Cường bày tỏ:
“Hồi ở trong căn nhà cũ, gia đình tôi lo lắng từng ngày bởi mấy bức tường đã
nứt hết rồi. Mùa đông lạnh thấu xương, còn mùa hè nóng như lửa đốt. Nhưng sợ
nhất là những ngày mưa bão. Giờ thì mọi việc đã ổn”. Nhìn con bò nái lai đang
gặm đống cỏ non, ông Lê Sáu ở thôn Đông Yên (xã Duy Trinh) hồ hởi: “Từ nguồn hỗ
trợ của Hội đồng hương Duy Trinh tại TP.Hồ Chí Minh, chính quyền và mặt trận xã
vừa tặng tôi con bò này, trị giá 16 triệu đồng. Nói thật, bao nhiêu năm nay tôi
mong có được con bò giống thả nuôi nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập nhưng vì cả vợ
lẫn chồng cứ đau ốm suốt nên không biết lấy đâu ra tiền để mua. Hôm 19.6 vừa
rồi, nhận được con bò, tôi mừng lắm. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc nó thật tốt để
chóng lớn, mau đẻ bò con, góp phần cải thiện cuộc sống”.
Xác định công tác xóa đói giảm
nghèo và hỗ trợ xóa nhà tạm là việc làm cấp thiết, góp phần thực hiện thắng lợi
nhiệm vụ chính trị của địa phương, những năm qua mặt trận các cấp ở huyện Duy
Xuyên tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phát động phong trào một cách sâu rộng,
đều khắp trên địa bàn 94 khu dân cư cũng như các cơ quan, xí nghiệp nhằm nêu
cao tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Đồng thời thường xuyên đổi mới phương thức
vận động gây quỹ vì người nghèo như giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn,
khu dân cư, kêu gọi sự tiếp sức từ những người con xa quê, hội đồng hương ở
khắp mọi miền đất nước. Ngoài ra, một số đơn vị còn tổ chức biểu diễn văn nghệ
gây quỹ vào dịp đầu năm được đông đảo cán bộ và nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ
vậy, trong 15 năm qua mặt trận các cấp đã vận động được gần 36 tỷ đồng cho Quỹ
vì người nghèo. Qua đó, hỗ trợ sửa chữa, xây mới 1.263 nhà đại đoàn kết và
1.801 nhà ở theo Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ. Không chỉ vậy, mặt
trận từ huyện đến cơ sở còn tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại với hộ nghèo để
cùng nhau tìm giải pháp thoát nghèo bền vững. Theo ông Văn Bá Quang - Phó Chủ
tịch Ủy ban MTTQ huyện Duy Xuyên, đến nay toàn huyện chỉ còn 332 nhà tạm bợ,
không còn nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo 8,13%, giảm 6,87% so với cách đây
gần 3 năm. “Thành quả có được chính là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ
thống chính trị và thực hiện công khai dân chủ ở khu dân cư. Cạnh đó, việc linh
hoạt lồng ghép các chương trình đã thu hút nhiều nguồn lực đóng góp, khơi dậy
được tinh thần tương thân tương ái trong xã hội” - ông Quang chia sẻ.
Đa dạng mô hình
Trao bò giống cho các hộ nghèo ở xã Duy Trinh.Ảnh: HOÀI NHI
Ủy ban MTTQ huyện Duy Xuyên vừa
tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm (1995-2015) thực hiện cuộc vận động “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Theo đó, 20 năm qua các cấp
mặt trận ở huyện đã vận động nhân dân hiến 127.600m2 đất, dỡ bỏ 16.140 tường
rào cổng ngõ, góp 121.200 ngày công lao động và huy động các nguồn lực đầu tư
hơn 100 tỷ đồng đổ bê tông 450km đường giao thông nông thôn, giao thông nội
đồng, kiên cố hóa kênh mương. Nhờ sự đồng thuận của người dân, địa phương đã
hoàn thành việc xây dựng khu phố chợ Nam Phước, chợ Trà Kiệu, chợ Kiểm Lâm, chợ
La Tháp và nâng cấp nhiều công trình phục vụ sản xuất, dân sinh. Ngoài ra, nhân
dân còn tích cực tham gia xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Đến nay, 94/94
khu dân cư đều có nhà sinh hoạt văn hóa, 95% số hộ có phương tiện nghe nhìn,
hàng năm có 92,5% gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Đặc biệt, mặt trận
các cấp phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và vận động doanh nghiệp xây dựng,
sửa chữa 1.945 nhà đại đoàn kết với tổng giá trị hơn 29 tỷ đồng. Đồng thời tu
sửa, nâng cấp 14 nghĩa trang liệt sĩ, tặng 4.230 sổ tiết kiệm tình nghĩa...
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” còn
phát huy tính dân chủ trong nhân dân, qua đó đã thành lập 760 tổ tự quản, củng
cố 811 tổ an ninh nhân dân, 612 tổ hòa giải, 211 câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật,
90.732 hộ cam kết không có con em tham gia các tệ nạn xã hội và triển khai xây
dựng 132 mô hình phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy.Năm 2012, Ủy ban MTTQ
Việt Nam huyện Duy Xuyên triển khai xây dựng mô hình “5 đoàn kết, 3 trong
sạch”. Đó là đoàn kết phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; đoàn kết
thực hiện việc đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo; đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa, văn minh; đoàn kết xây dựng thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc; đoàn
kết xây dựng đời sống văn hóa, dân chủ kỷ cương và môi trường trong sạch; nếp
sống lành mạnh trong sạch; tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch. Thực
tiễn cho thấy, mô hình này đã đem lại hiệu quả tích cực, điển hình là khu dân
cư Câu Lâu Tây thuộc xã Duy Phước. Ban dân chính thôn cùng người dân thực hiện
dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, áp dụng quy trình kỹ thuật mới, đưa
cơ giới hóa vào đồng ruộng, năng suất lúa bình quân hàng năm đạt hơn 60 tạ/ha,
tăng 5 tạ/ha so với năm 2010. Đặc biệt, người dân nơi đây còn đóng góp tiền
của, hàng nghìn ngày công lao động và tự nguyện hiến đất, mở đường giao thông
nông thôn, xây dựng thiết chế văn hóa. Đến nay, toàn thôn có 100% hộ dân sử
dụng điện, nhà ở kiên cố, mua sắm ti vi, máy vi tính. Thu nhập bình quân đầu
người đạt 26,5 triệu đồng/năm, cao nhất xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,04%. Hàng
năm, trong thôn có hơn 97% gia đình được công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn hóa…
Cùng với đó, mô hình “Tộc họ văn
hóa” ra đời đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân trong việc
giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ông Nguyễn Công Thành - Phó Chủ tịch
Ủy ban MTTQ huyện Duy Xuyên cho hay, qua khảo sát, toàn huyện hiện có 759 tộc
họ, trong đó 498 tộc đăng ký xây dựng tộc văn hóa, 287 tộc có tộc ước. Nhiều
tộc họ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài như tộc Hồ Tấn (Duy Trinh), tộc
Lê Trung (Duy Phước), Phạm Văn (Duy Hải)… hàng năm vận động những người trong
dòng họ chung tay đóng góp để có điều kiện phát phần thưởng cho con cháu đạt
thành tích cao trong học tập, với tổng giá trị hàng chục triệu đồng. Ngoài ra,
các tộc còn cam kết xây dựng tộc không có người vi phạm pháp luật, không mê tín
dị đoan, nhất là không có người sinh con thứ 3 như tộc Kiều Văn (Duy Hải) 7 năm
liền thực hiện tốt chủ trương này, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Ông Thành
nói: “Trên địa bàn huyện còn có khá nhiều mô hình như “Mô hình thực hiện hài
hòa phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường” ở xã Duy Tân, “Đám tang
không rải vàng mã” ở Duy Vinh, Duy Thành, Duy Trinh hay mô hình “Dồn điền đổi
thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn” ở Duy Phước góp phần đẩy nhanh tiến trình xây
dựng nông thôn mới. Mỗi mô hình là mỗi nhân tố làm phong phú đời sống kinh tế,
văn hóa, xã hội, góp phần xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, thuần phong mỹ tục được
phát huy và ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng”.
HOÀI NHI