Với đức tính cần cù, hết mình với công việc và cả sự hy sinh thầm
lặng, nhiều phụ nữ không kém cạnh đấng mày râu trong việc lèo lái con thuyền
hợp tác xã (HTX) ngày càng tiến lên
Chỉ vì đam mê
Toàn tỉnh có gần 200 HTX đang hoạt động, hầu hết
chủ nhiệm, giám đốc HTX (theo luật mới) đều là đàn ông, chỉ có 4 phụ nữ gánh
vác công việc này.
Chị Nguyễn Thị Thoại - Giám đốc HTX Dệt Duy
Trinh (huyện Duy Xuyên) được biết đến là người dám làm dám chịu, một tay lèo
lái HTX của mình từ bên bờ vực phá sản, vượt qua khó khăn và vươn lên mạnh mẽ.
Chị Thoại đã góp phần vực dậy cả một vùng dệt có nguy cơ bị thất truyền. “Nói
thì to tát quá, chứ thực chất mình làm kinh tế HTX cũng chỉ vì đam mê thôi. Từ
thời trẻ đã gắn với HTX, giờ thấy nó có nguy cơ bị giải thể, ai không xót. Rứa
là làm liều, tính đủ đường xoay xở để vực dậy chứ biết làm răng chừ…” - chị
Thoại nói.
Giai đoạn 2008 - 2009, giá nguyên liệu dệt đắt
đỏ, vùng nguyên liệu truyền thống hầu như không còn, lại chịu sự cạnh tranh
khốc liệt từ những doanh nghiệp dệt tư nhân, HTX Dệt Duy Trinh đứng trước nguy
cơ phải dừng hoạt động. Lúc đó, một mình chị Thoại lặn lội ra tới Hà Nội, tìm
gặp chủ mối nguyên liệu dệt để xin được mua nợ, bên cạnh đó tận dụng tất cả mối
quan hệ để tìm đầu ra cho sản phẩm. Chị Thoại tâm sự: “Cũng may khi đó chủ mối
nguyên liệu chấp nhận cho mình mua chịu, mình thuyết phục được họ vì mình tin
dệt Duy Trinh sẽ sống…”. Chính nhờ sự “liều lĩnh” đó, HTX Dệt Duy Trinh đã vươn
lên mạnh mẽ, tạo việc làm cho gần 100 xã viên và hàng chục hộ dân đang phải bỏ
nghề dệt. Sự “liều lĩnh” đó còn được thể hiện khi chị vận động 12 xã viên đưa
sổ đỏ nhà đất để thế chấp ngân hàng vay vốn mua sắm thiết bị lên đến hàng tỷ
đồng. Và hiện tại, những guồng máy dệt mới được đầu tư đã phát huy hiệu quả,
mang lại lợi nhuận cho xã viên của HTX Dệt Duy Trinh.
Có cùng niềm đam mê với chị Thoại, chị Nguyễn
Thị Lạc - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đại Cường (huyện Đại
Lộc) cho biết: “Trong kinh doanh, đàn ông có sự mạnh mẽ, quyết đoán, nhưng phụ
nữ lại có lợi thế là sự trầm tĩnh, điềm đạm. Đôi khi mình không ào ào theo
người ta mà tìm cho mình một đường đi khác, phù hợp hơn, an toàn mà hiệu quả
hơn”.
Khó mà dễ
Những năm qua, kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh
có nhiều chuyển biến theo cơ chế thị trường. Điều này đòi hỏi các HTX phải thay
đổi phương thức, cách thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu của thị trường,
mới có cơ hội tồn tại và phát triển. Những HTX của những nữ chủ nhiệm cũng
không nằm ngoài số này. Chị Huỳnh Thị Quý - Chủ nhiệm HTX Tiểu thủ công nghiệp
Quế Thọ (Hiệp Đức) cho biết: “Điều quan trọng là phải có kế hoạch như thế nào
để các anh chị em trong HTX cùng đồng lòng. Là nữ giới nên tiếng nói đôi khi
không bằng nam giới. Đàn ông họ có thể quát nạt, dùng cái uy của mình để làm
việc, còn mình thì không. Nhưng thay vào đó mình có sự tế nhị, nhỏ nhẹ tâm sự,
sẻ chia để tạo được sự đồng thuận cao trong xã viên, đó cũng là lợi thế của phụ
nữ khi làm chủ nhiệm HTX”. Nhắc đến kỷ niệm khó quên, chị Nguyễn Thị Lạc kể:
“Trong một lần giao dịch với khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh, họ liên hệ với huyện,
huyện cho số điện thoại của mình. Khi gọi mình bắt máy, họ bảo cho gặp anh Lạc
chủ nhiệm HTX. Mình bảo là ở đây không có anh Lạc nào hết, chỉ có em là Lạc,
chủ nhiệm HTX đây thôi. Thế mà họ chẳng tin, cho là mình đang đùa họ. Chỉ đến
khi ra trực tiếp giao dịch thì họ mới tin mình là nữ. Nhưng cũng nhờ đó mà việc
ký kết hợp đồng được tiến hành nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn…”.
Là phụ nữ, lại phải gánh vác trách nhiệm tìm
cách để phát triển HTX, đảm bảo đời sống cho xã viên nên các chị đã chịu nhiều
áp lực và thiệt thòi. “Đàn ông, khi làm việc xong về nhà họ có thời gian để
nghỉ ngơi, suy tính những phương án kinh doanh tối ưu cho HTX. Còn mình, xong
công việc ở cơ quan, về nhà lại tất bật với những công việc không tên của người
vợ, người mẹ trong gia đình. Khó thì khó thật, nhưng biết sao được, đó là niềm
đam mê rồi. Đôi khi trách nhiệm trên vai làm mình trưởng thành hơn, chín chắn
hơn trong cách xử lý công việc” - chị Huỳnh Thị Thạnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp
Đại Hưng (Đại Lộc) tâm sự. Còn chị Nguyễn Thị Thoại thì chia sẻ: “Trong giao
dịch với các đối tác làm ăn, người ta vẫn thích làm việc với đàn ông hơn. Đó là
thiệt thòi cho phụ nữ. Nhưng phụ nữ tụi mình lại có được sự tinh tế cần thiết,
có nhiệt huyết đủ để thuyết phục được họ sẽ không đầu tư sai chỗ. Và hơn hết
chính là niềm đam mê làm kinh tế HTX, đó là ngọn lửa giúp tụi mình vượt qua
những giai đoạn khó khăn”.
TUỆ LÂM